Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, kiều bào dù ở đâu trên toàn thế giới cũng luôn hướng về quê hương và đã có đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng và đổi mới đất nước. Kiều bào luôn là cầu nối quan trọng để đưa thông tin, tri thức, công nghệ, vồn đầu tư cho phát triển đất nước. Người Việt Nam trên toàn cầu cũng là người truyền tải giá trị văn hóa Việt, các sản phẩm của Việt Nam cho thị trường thế giới.
Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản; trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để kết nối các hộ nông dân nhỏ, hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu.
Hàng hóa nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 190 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có những thời điểm, chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã bị gián đoạn do giãn cách. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn vượt khó, đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, thặng dư thương mại lên đến 6,44 tỷ USD.
Bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ kiều bào. Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.
“Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở Séc, Asean Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Australia đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… Dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều đã trở thành kênh phân phối quan trọng đưa nông sản Việt Nam đi khắp bốn phương.
Những sản phẩm tươi rất khó bảo quản trước đây giờ cũng được đầu tư công nghệ mới và xuất khẩu thành công như nhãn, vải tươi sang châu Âu; bơ, sầu riêng đông lạnh sang Australia; xoài sang Hoa Kỳ…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá.
Kiều bào còn đóng góp đưa về tri thức và kinh nghiệm giúp ngành nông nghiệp chuyển mình những công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng đánh giá, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vui mừng khi được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho hay.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả trong ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Bộ Ngoại giao đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm. Bộ sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm đối với việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, thị trường Bắc Âu tuy nhỏ nhưng có nhu cầu lượng hàng tương đối tốt. Hàng hóa sang khu vực này đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì. Chẳng hạn sản phẩm mì phải phù hợp về các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm… của châu Âu.
Sản phẩm Việt còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán cao. Nhà đầu tư rất cần những thông tin cụ thể về từng vùng nguyên liệu, sản lượng, chất lượng… Ông Diệp Văn Tỷ cho hay.
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm đưa nước mắm tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng thành công trong việc đưa vải thiều sang châu Âu, xuất gạo ST25 sang Canada và Anh, ông Lê Bá Linh, Giám đốc Pacific Foods cho biết, đưa sản phẩm ra quốc tế, doanh nghiệp rất chú trọng phát triển chất lượng và coi đây là một vinh dự, niềm tự hào.
Theo ông Linh, để đưa nông sản Việt ra thế giới, doanh nghiệp cần biết nắm bắt cơ hội. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhà nước cần có cơ chế giảm thuế, phí với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp nên được tạo cơ chế phát hành trái phiếu để tạo nguồn vốn, sớm phục hồi sau đại dịch.
Có chính sách hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như doanh nghiệp phải xuất qua một đơn vị khác vì không đủ tiêu chí xuất khẩu. Trong xu hướng hội nhập kinh tế, Việt Nam hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới. Nhưng cùng với đó, hàng rào kỹ thuật sẽ được nâng lên. Vì thế, ông Linh đề nghị các bên có một giải pháp tổng thể, kịp thời, cập nhật các xu hướng kinh tế mới để các doanh nghiệp trong đó có Pacific Foods phát triển hơn nữa trong tương lai.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, kiều bào giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia xã một sản phẩm. Đây là sản phẩm có tiềm năng to lớn là đặc sản vùng miền, là kết tinh văn hóa và tinh thần của các miền quê. Những ý kiến đóng góp của kiều bào sẽ cùng chung tay đưa ra hành động thiết thực để hướng tới mục tiêu: Nông nghiệp sinh thái – Nông thôn hiện đại – Nông dân thông minh.
Theo Báo Tin Tức