Trang chủ » Indonesia đặt mục tiêu chiếm 40% thị phần kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN

Indonesia đặt mục tiêu chiếm 40% thị phần kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN

bởi unexpress

BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đặt mục tiêu chiếm 40% thị phần nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2025.

Mục tiêu trên được Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi nêu ra tại phiên điều trần trước Ủy ban VI của Quốc hội Indonesia vào ngày 23/8/2021.
Theo ông Lutfi, dựa trên chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số vào năm 2025 để có thể kiểm soát khoảng 40% tổng tiềm năng kinh tế kỹ thuật số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Riêng năm 2021, giá trị giao dịch thương mại điện tử được dự đoán đạt 354.300 tỷ rupiah (24,6 tỷ USD), tăng 33,11% so với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2020 là 266.200 tỷ rupiah.
Trong khi đó, số lượng giao dịch dự kiến sẽ tăng 38,17%, từ 925 triệu giao dịch lên 1,3 tỷ giao dịch.
Ông Lutfi cũng cho biết thêm, sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số hiện là không thể ngăn cản. Dòng chảy của các giao dịch kỹ thuật số đã bước vào làn sóng thứ hai và thứ ba với sự xuất hiện của những người chơi trong các lĩnh vực mới.
Không chỉ trong nước, sự phát triển của thương mại điện tử trong ASEAN cũng tăng trưởng vượt bậc. Hiện tại, đóng góp của thương mại điện tử trong ASEAN đạt 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực. Giá trị giao dịch thương mại điện tử trong ASEAN được dự đoán sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025.
Trong giai đoạn 2015-2019, giá trị giao dịch thương mại điện tử ở ASEAN đã tăng gấp 7 lần từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 38 tỷ USD vào năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Indonesia đã ký Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử vào ngày 22/11/2019. Hơn nữa, Chính phủ sẽ phê chuẩn hiệp định dưới hình thức luật, hiện đang được thảo luận tại Hạ viện
Bên cạnh đó, để thực hiện tăng trưởng kinh tế quốc gia nhằm đón đầu chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị một số công cụ pháp lý liên quan đến thương mại điện tử. Các quy định này dưới dạng luật, quy định của chính phủ và quy định của các bộ./.
Source: BNews

Có thể bạn quan tâm