BNEWS Là trung tâm tài chính quốc tế, các chuyên gia cho rằng, Hong Kong (Trung Quốc) nên nắm chắc cơ hội từ thị trường carbon và thị trường tài chính xanh toàn cầu để phát huy lợi thế riêng.
Mới đây người đứng đầu Cục tài chính Hong Kong (Trung Quốc) Trần Mậu Ba cho biết, Khu hành chính đặc biệt này sẽ phát hành 175,5 tỷ HKD (22,5 tỷ USD) trái phiếu xanh trong 5 năm tới, đồng thời đang đánh giá khả năng đưa Hong Kong trở thành trung tâm giao dịch carbon của khu vực, nhằm xây dựng thị trường carbon thống nhất của khu vực Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau (Vùng vịnh lớn).
Những năm gần đây, các vấn đề liên quan như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội. Trong đó, phát triển nền kinh tế ít carbon đã trở thành nhận thức chung trên toàn cầu, thúc đẩy phát triển xanh và bền vững trở thành xu hướng chủ đạo mới của thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, việc chính phủ các nước quyết tâm thúc đẩy kinh tế phát triển chất lượng cao cũng thúc đẩy nhu cầu tài chính xanh gia tăng trong tương lai.
Là trung tâm tài chính quốc tế, các chuyên gia cho rằng Hong Kong nên nắm chắc cơ hội từ thị trường carbon và thị trường tài chính xanh toàn cầu để phát huy lợi thế riêng, đồng thời đẩy nhanh việc trở thành đầu mối tài chính xanh của Vùng vịnh lớn. Hong Kong có thể dựa vào thế mạnh của mình để hỗ trợ đất nước thực hiện mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đồng thời tăng cường củng cố và nâng cao vị thế trung tâm tài chính quốc tế.
Hiện nay, quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG) đã trở thành chủ đề đầu tư và huy động vốn của thị trường do nhu cầu về tài chính trong quá trình chuyển đổi ít carbon đang không ngừng tăng. Chính phủ Trung Quốc đưa ra mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và thực hiện trung hòa carbon vào năm 2060. Theo tính toán, đến năm 2060, mỗi năm Trung Quốc Đại lục cần ít nhất 3.000-4.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) đầu tư xanh.
Trước nhu cầu huy động vốn đầu tư xanh quy mô lớn, Hong Kong có thể là nhân tố giúp thúc đẩy Trung Quốc Đại lục phát hành trái phiếu xanh. Một mặt, Hong Kong là trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ bên ngoài lớn nhất toàn cầu, là trung tâm thu xếp phát hành trái phiếu quốc tế lớn nhất châu Á, đồng thời là trung tâm quản lý tài sản hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc cũng ủng hộ việc xây dựng Hong Kong trở thành trung tâm tài chính xanh của Vùng vịnh lớn. Thông qua quá trình thành lập các tổ chức chứng nhận trái phiếu xanh được quốc tế thừa nhận, Hong Kong đã từng bước hình thành hệ sinh thái tài chính xanh sau quá trình phát triển nhanh trong những năm gần đây.
Mặt khác, từ trước đến nay Hong Kong là cầu nối giữa Trung Quốc Đại lục và thế giới, nên Hong Kong có thể phát huy tác dụng kết nối các nhà phát hành ở Trung Quốc Đại lục với các nhà đầu tư quốc tế, nhằm khuyến khích nhiều hơn các tổ chức Đại lục đến Hong Kong phát hành trái phiếu xanh, cung cấp nền tảng lý tưởng để thu hút tài chính xanh của các nhà đầu tư quốc tế.
Số liệu cho thấy tổng giá trị các khoản vay trái phiếu xanh được thu xếp và phát hành ở Hong Kong trong năm 2020 là 12 tỷ USD, lũy kế tính đến cuối năm 2020 đạt 38 tỷ USD, trong đó 1/3 nhà phát hành trái phiếu xanh lần đầu tiên phát hành ở Hong Kong. Trước đó, chính quyền thành phố Thâm Quyến đã đến Hong Kong phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, bao gồm cả trái phiếu xanh.
Các chuyên gia cho rằng thời gian tới Hong Kong có thể tiếp tục phát huy lợi thế, sáng tạo các sản phẩm tài chính xanh, hoàn thiện cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ thực hiện mục tiêu đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon của quốc gia, đồng thời thúc đẩy phát triển có trật tự nền tài chính xanh và bền vững của Hong Kong.
Điều đáng lưu ý là để thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon, Trung Quốc đại lục đã khởi động thị trường giao dịch quyền phát thải carbon có quy mô lớn nhất thế giới, lượng khí thải bao phủ hơn 4 tỷ tấn, dự kiến mang lại quy mô thị trường giao dịch khổng lồ.
Nhu cầu thị trường lớn sẽ dẫn đến một loạt hoạt động giao dịch, đầu tư, hỗ trợ tài chính, cung cấp không gian phát triển rộng lớn cho dịch vụ tài chính carbon. Hiện nay, Trung Quốc Đại lục đã lần lượt triển khai thí điểm giao dịch carbon ở nhiều nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồ Bắc, Quảng Đông, Thâm Quyến… Tuy nhiên, phương thức giao dịch tương đối đơn điệu, thiếu giao dịch kỳ hạn và sáng tạo mới các sản phẩm tài chính.
Trong bối cảnh này, Hong Kong có thể liên kết với Quảng Đông để xây dựng thị trường giao dịch carbon Vùng vịnh lớn, tăng cường kết nối tương tác với thị trường carbon Đại lục và quốc tế. Những tương tác này có thể bao gồm công bố thông tin, ban hành tiêu chuẩn, cung cấp giao dịch cho các nhà đầu tư quốc tế… để thúc đẩy hoàn thiện sản phẩm của thị trường giao dịch carbon quốc gia, làm phong phú hơn nữa hệ sinh thái tài chính xanh và bền vững của Hong Kong, thúc đẩy Hong Kong phát triển trở thành đầu mối tài chính xanh của khu vực./.
Theo BNews/