Trang chủ » Chuyện về một người sơ tán tại Hiệp Hòa

Chuyện về một người sơ tán tại Hiệp Hòa

bởi unexpress

Ông Hoàng Phê – theo cách gọi thân mật của ông bà ngoại tôi là bác Phê – là một người sơ tán rất đặc biệt đã có một quãng đời sống trong căn nhà mái rạ quê tôi.
Ngày đó là những ngày sơ tán khoảng những năm 1968-1972. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên ký ức còn lại chỉ là chiếc lò bánh mỳ của cơ quan sơ tán đặt trong vườn nhà ông bà ngoại. Buổi sáng, được mấy cô chú cấp dưỡng bớt chút bột mì đầu thừa đuôi thẹo làm riêng cho một cái nhỏ là sướng tít mù. Trẻ con hàng xóm nhìn tôi ăn bánh mỳ mà thèm thuồng.
Xóm Hiệp Đồng, Tam Sơn và cả xã, nhà nào cũng có người sơ tán ở nhờ. Bà con nông dân quê tôi thật thà chất phác. Nhà nào cũng dành những gian nhà tranh tre nhưng sạch sẽ đón các gia đình và cơ quan sơ tán về ở. Ông Hoàng Phê ở nhà ông bà ngoại tôi . Ấn tượng về ông là một ông già tóc bạc, hay đút hai tay túi quần thẩn thơ ngoài vườn. Tôi chưa đủ ý thức để hiểu công việc mà ông Hoàng Phê làm lúc đó, nhưng tôi thấy quý những người sơ tán…
Không biết bây giờ có ai còn nhớ về cái vùng quê sơ tán chỉ cách Hà Nội 50 km ấy không? Đường về nơi ấy giờ đã có Cầu Vát nối liền hai bờ sông Cầu. Đường ô tô trải nhựa láng bóng. Qua Sóc Sơn chục cây số (với đặc thù không đâu có là 50 km nhưng 3 lần mua vé cầu) là đã thấy những những làng quê thanh bình như tách biệt với chuyện phố phường.
Ấy thế mà khi còn khỏe mạnh, những người Phố phường như gia đình ông Hoàng Phê không mấy năm là không trở lại chơi thăm. Khi tặng tờ lịch năm mới, lúc biếu cân đường, ông bà ngoại tôi cũng cẩn thận gói tặng bác Phê dăm ba bơ lạc, bơ đỗ xanh, đỗ đen, thế mà đầm ấm tình người như gia đình vậy. Có nhiều lần ông bà tôi và ông bà Hoàng Phê còn làm thơ ngâm vịnh, tặng nhau, thơ đi thơ lại…
Tôi nhớ, năm 1992, ông Hoàng Phê xuất bản cuốn Từ điển Tiếng Việt này đã gửi tặng ông bà ngoại tôi. Ông bảo rằng thời kỳ sơ tán trong mái nhà tranh ở nhà ông bà ngoại tôi, ông đang biên soạn cuốn từ điển này. Khi đó tôi mới hiểu được cái hình ảnh ông già tóc bạc hay đút tay túi quần đăm chiêu đi lại trong vườn nhà ông bà ngoại tôi đã làm gì trong những năm chiến tranh.
Cho tới những ngày trước khi mất, ông Hoàng Phê còn trở về xã Thường Thắng huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang (xưa là Hà Bắc) để thăm ông bà ngoại tôi như những người bạn tâm giao. Tôi là cháu đích tôn (ngoại) nên được thừa kế cuốn từ điển quý giá có bút tích này.
Năm 1992, lúc đó, tôi có viết một bài trên báo Hà Nội mới. Tôi còn nhớ bài báo có cái tít “Mấy chục năm rồi còn mãi nhớ” để nói về tình cảm quý mến, tình người trong những năm tháng gian khó của cuộc kháng chiến chống Mỹ, viết về hình ảnh một người sơ tán. Về sau trong một lần ông Hoàng Phê vào dự Hội thảo ngôn ngữ ở Học viện báo chí (lúc này ông đã già và có phần yếu), gặp tôi, ông cười mà rằng “Đi ở nhờ mà còn được khen trên báo nữa”.
Hôm nay, lục tìm trong sách báo cũ, tôi lại nâng niu cuốn từ điển quý giá nhuốm màu thời gian và những kỷ niệm của một thời sâu nặng tình người. Mặc dù tôi biết, nếu dạo qua đường Láng, chỉ 10 phút thôi người ta có thể quơ được một lô từ điển lậu với giá rất bèo.
Tôi trân trọng những người trí thức sơ tán như gia đình ông – Giáo sư Hoàng Phê. Vẫn biết ông bà cũng chỉ là một trong cả ngàn vạn những người sơ tán khác họ vẫn sống đâu đó trong thành phố này, vẫn hàng ngày hối hả và lao về phía trước như những chiếc xe máy đắt tiền, những chiếc ô tô láng bóng tỉ này tỉ nọ vùn vụt kia.
Tôi chợt nghĩ về những người dân quê tôi và nhiều vùng quê khác, dù nghèo khó đã cưu mang cả một thành phố sơ tán trong chiến tranh. Đã không tiếc công sức và tiền bạc đào hầm hào trú ẩn. Đã nhường cơm sẻ áo theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này với cả tấm lòng không một mảy may tính toán thiệt hơn.
Nhưng tôi từng nghe một nhà thơ đọc những câu thơ không xuất bản rằng:
…”Một nhành xuân ư? Xin đừng dối nhau
Người thành phố vẫn là người thành phố,
Tôi muốn viết về những cánh đồng quê loang lổ
Về lưng còng cha mẹ chúng tôi kia…” (Tôi không nhớ được nguyên văn)
Và chiều nay…
Tôi chạnh buồn khi nhìn thấy những sinh viên từ quê ra đang đi tìm nhà trọ giữa một thành phố đầy những ngôi nhà bỏ hoang của những người giàu có. Mà các em đã không tìm đâu ra một căn phòng đủ nhỏ cho hợp với túi tiền của cha mẹ nông dân. Những sinh viên mới quê mùa kia từ vùng nào vậy? Em đang ngơ ngác tựa gốc cây ven hồ kia có em nào từ Hiệp Hòa, Bắc Giang không nhỉ? Có em nào gia đình từng cưu mang những người sơ tán không nhỉ?
Tôi chẳng ước lại có chiến tranh để người thành phố bây giờ hiểu giá trị của sự cưu mang lúc gian khó. Thị trường bây giờ đã thành chuẩn mực cho mọi mối quan hệ mất rồi. Nếu có chiến tranh thì chuyện sơ tán chắc giờ cũng khác.
Chỉ ước sao cho mấy em sinh viên kia thuê được một phòng trọ với giá bình dân và có được cuộc sống tối thiểu chốn thị thành. Mơ có một ngày, người thành phố giang rộng vòng tay tiếp đón nông dân như họ đã từng được tiếp đón. Có chăng chỉ là mơ thôi.

 

Tác giả: Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, gửi chuyện này cho Ban biên tập ngày 12/7/2009.

 

Giới thiệu của Ban biên tập. Giáo sư Hoàng Phê (1919-2005) là Nhà ngôn ngữ học rất nổi tiếng của Việt Nam. Hoàng Phê sinh tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nay là xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở thiếu thời, ông học tại quê nhà rồi theo học ở Hội An, Huế, Sài Gòn. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, Việt Bắc. Sau năm 1954, ông làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Ngôn ngữ học, và tạp chí Ngôn ngữ học, giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm