BNEWS Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, Bộ Công Thương đã đề nghị xây dựng và các cấp thẩm quyền phê duyệt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc và tạo dựng sự phát triển nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Hơn nữa, việc này còn bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dựa trên 7 nội dung chính gồm hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan.
Ngoài ra, hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch.
Mặt khác, Luật sẽ bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp, vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ hoàn thiện trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Cùng đó, hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm của tổ chức xã hội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trên cơ sở các nhóm chính sách đã được thông qua, đứng trước bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần thể hiện và đáp ứng toàn diện các yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể, hạn chế tối đa sự bất cập có thể đến từ việc phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và thế giới cũng như sự xuất hiện của nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới mà thời điểm xây dựng Luật chưa xuất hiện.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2023.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Luật mới phải phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như xây dựng cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả./.
Theo BNews/