Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Cần cơ chế đặc biệt cho ngân hàng khi hỗ trợ
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32.000 tỷ đồng. Đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/2021 là 5,2 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện gói vay ưu đãi 0%, tuy nhiên doanh nghiệp tiếp cận còn thấp. Số doanh nghiệp được cơ cấu nợ còn thấp trong số doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng phải loại rủi ro cho các doanh nghiệp khi được cơ cấu nợ, cùng với đó phải trích dự phòng rủi ro 30% ngay từ đầu năm 2021, do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng gây khó cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được cơ cấu nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn. Trong điều kiện chuẩn cho vay không hạ, các tổ chức tín dụng đang cho các doanh nghiệp cho vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi doanh nghiệp doanh thu giảm, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu… Do đó, cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định, dư địa của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Thực tế người dân gửi tiền vào ngân hàng đang có sự sụt giảm. Có thể thấy người dân sẽ đầu tư vào các kênh khác và các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn trong huy động vốn.
Về giảm phí, hiện một số tổ chức tín dụng có mức phí cao, do đó, Hiệp hội ngân hàng sẽ kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và giảm phí cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tổng thể, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần chính sách đồng bộ cũng như rất cần sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia: Tái cấu trúc, thích ứng linh hoạt
Quá trình thực thi các chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế, thách thức như: Tiến độ triển khai hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm (nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng – tương đương 6% đến hết tháng 9/2021).
“Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp. Chúng ta đã tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng… Do đó, nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh.
Về dư địa chính sách tài khóa – tiền tệ thời gian tới, ông Lực cho biết thâm hụt Ngân sách Nhà nước và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi có cơ hội tăng vay nợ trong nước và vay quốc tế với lãi suất thấp.
Trong khi đó, quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn và các cân đối lớn (thâm hụt Ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu Ngân sách nhà nước, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do COVID-19, ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, cùng với đó là tiết giảm chi phí và “giữ chân” lao động, và tăng năng suất.
Ngoài ra, ông Lực cho rằng doanh nghiệp nên thực hiện theo mô hình 5Rs: thích ứng, linh hoạt (Respond); phục hồi càng nhanh càng tốt (Recover); tái cấu trúc (Restructure); đổi mới, sáng tạo (Re-invent); tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu các cú sốc (Resilience).
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Thống kê của VCCI cho thấy trong năm 2020 có đến 93,9% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Trong đó, có đến 34% doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực; 59,9% doanh nghiệp bị ảnh hưởng phần lớn là tiêu cực; có đến 87,2% bị ảnh hưởng tiêu cực. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dường như chưa nhiều.
Đến thời điểm hiện tại, ông Đậu Anh Tuấn cho biết đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 được ban hành như Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
“Nhưng nhìn lại năm qua chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nên cần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nổi lên trong một số chính sách có một điểm sáng là Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung 10 luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). Cùng đó, có những đạo luật có hiệu lực từ 2021 nhưng vẫn phải sửa mới có thể tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Tuấn cho rằng, thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình. Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…). Thứ hai, là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành). Quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.
Theo Báo Tin Tức