Trang chủ » Hội làng Trâu Lỗ

Hội làng Trâu Lỗ

bởi unexpress
Làng Trâu Lỗ thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà nằm dọc theo bờ sông Cầu. Làng này có tên nôm là làng Sổ gắn liền với truyền tích làng nằm trên lưng con trâu. Nơi đây vào thế kỷ XI đã từng nằm trong chiến tuyến sông Như Nguyệt của nhà Lý chống quân xâm lược Tống. Nhưng trận đánh ác liệt của nhà Lý với quân xâm lược Tống đã diễn ra nơi này là vì thế mà ngày nay còn lưu lại các địa danh: Bãi Xác, Cánh Đồng Xác, chùa Âm Hồn. Cùng vị làng có truyền tích bị giặc Tống tàn phá, xoá sổ nên có tên là làng Sổ.

Trước kia, làng Trâu Lỗ là xã Trâu Lỗ; tổng Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, phủ Bắc Hà. Cư dân cư trú trong làng thuộc nhiều tộc họ: Lê, Bùi, Đoàn, Nguyễn, Ngô, Đồng. Họ đoàn kết chung sống với nhau từ lâu đời và đã làm nên công trình văn hoá tiêu biểu, độc đáo và cũng là nơi sản sinh ra những con người đóng góp cho truyền thống khoa sử tốt đẹp của Kinh Bắc như Trạng nguyên tiến sỹ Đoàn Xuân Lôi, Nguyễn Phúc Nghĩa, Nguyễn Đình Tuân. Cư dân Trâu Lỗ là cư dân nông nghiệp. Họ lấy nghề trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm sinh sống đã bao đời nay trên mảnh đất này.

Đình và đền Trâu Lỗ là hai công trình cổ của làng. Đình nằm giữa ở làng có quy mô lớn, kiểu dáng kiến trúc đẹp. Trong đình có nhiều đồ thờ tự thờ hai vị thành hoàng làng là ” Vua ông ” ” Vua bà “. Đình Trâu Lỗ làm lễ phạt mộc vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Đức Nguyên ( 1677 ) rồi sau đó qua vài lần tôn tạo, đã khang trang đẹp đẽ hơn lên.

Đền Trâu Lỗ nằm bên bờ sông Cầu gồm ba toà: toà cả tam môn, tiền đường, hậu đường. Trong đền còn lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật về các vị thành hoàng như: Sắc phong, tượng thánh, tượng quan hầu, phỗng gỗ….

Hàng năm ở Trâu Lỗ có các tiết lệ diễn ra ở đình, đền như sau:

  • Ngày 4 tháng giêng – tế thần với các trò đánh mốc, kéo dây.
  • Ngày 7 tháng giêng lệ cúng thánh sư ( lệ ngò ).
  • Ngày 1 tháng 2 tế thần, cúng hậu thần hậu phật.
  • Ngày 16 tháng 2 lễ tế thánh bằng lợn và bánh dày tại đền. Đây cũng là ngày tế tư văn.
  • Ngày 15 tháng 5 lễ xuống đồng.
  • Ngày 15 tháng 7 lễ lên đồng.
  • Ngày 15 tháng 8 lễ cơm mới.
  • Ngày 16 tháng 8 tế tư văn.
  • Ngày 11 đến 15 tháng 9 đaị lệ ( đại ký phước ).

Các định lệ này đều do các giáp của làng thực hiện và duy trì. ở Trâu Lỗ xưa có bốn giáp Nam, Bắc, Sổ, Lãi. Thành viên các giáp và dân làng cư trú ở ba xóm: Nghè, Giữa, Ngò. Mỗi giáp gồm dân đinh của một vài dòng họ. Giáp là tổ chức gồm các thành viên nam giới giúp cho làng xã thực hiện các công việc của làng, của nước và chủ yếu trong các việc duy trì các tiết lệ, hội hè và ” phù sinh, tống tử “.

Trong các tiết lệ trên, mỗi tiết lệ đều có một sắc thái riêng, độc đáo. Lệ ngày 4 tháng Giêng có đánh mốc, kéo dây. Đánh mốc theo các cụ địa phương là trò có ý nghĩa như một hình thức động thổ. Để thực hiện trò này bốn giáp cử ra hai người cầm hai cái sào tre dài, đẩy đi, đẩy lại ở dưới sân đình. Lại chọn ra 16 người, mỗi người cầm một hòn đá nhẩy qua hai cây sào đẩy đá vào một chỗ. Cứ như thế lần lượt nhẩy hết 16 người – thời gian nhảy vào buổi sáng 4/1. Trò này gọi là trò đánh mốc.

Đến chiều hôm ấy lại tiếp tục kéo dây, cũng tổ chức ở sân đình. Trò này có một cái dây song dài 8m luồn qua lỗ cọc chôn ở giữa sân. trong khoảng đất của mỗi bên có 8 cái thùng. Khi chơi mỗi bên có 8 người kéo, kéo qua 8 thùng là thua hẳn. Kéo qua 2 thùng là thua từng trận, lại kéo lại.

Cả hai trò này đều tổ chức sau lễ tế thần ở đình.

Làng có lệ ngày 1 tháng 2 gọi là lệ trọng xuân. Lệ này các giáp cho giã bánh dầy gọi là chuẩn bị lương thực cho nhà thánh đi trận. Mỗi giáp 8 cái, tất cả 4 giáp gồm 32 cái to khoảng 20 cm đem ra đình tế lễ. Làng tế xong thì trả lại cho các giáp.

Lệ Đại Kỳ Phước ( đại lệ ) của Trâu Lỗ tổ chức vào ngày 11 đến 15 tháng 9. Lệ này được duy trì đã mấy trăm năm trong lịch sử. Lệ này mở ra gắn với mối kết nghĩa với làng Kim Lũ ( xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ). Mối kết giao này mặn mà, chung thuỷ hiếm có. Đã là câu chuyện có thật mà nghe vẫn như ly kỳ đầy tính vị tha, nghĩa cả. Đó là câu chuyện xảy ra vào những năm cuối thế XVI, sau nội chiến Trịnh – Mạc, dân các nơi mở hội thái bình sau nhiều năm loạn lạc. Chuyện kể rằng:

Sáng ngày 12 tháng 9 năm Quý Tý ( 1593 ) dân làng Trâu Lỗ đang làm lễ tế thần ở đền thì thấy con trâu lạ từ đâu đến nằm phục ngoài bãi trước cửa đền. Mọi người liền bắt giữ trâu lại. Sau mới biết đó là trâu của làng Kim Lũ, dùng để thịt tế thần hôm trước ( 11/9 ) nhưng không may bị đứt chạc chạy mất. Khi dân Kim Lũ tìm đến Trâu Lỗ, thì đã được dân Trâu Lỗ đón mời rất thịnh tình, chu đáo và trao lại con trâu bị lạc vào làng mình. Cảm kích tấm lòng tốt và nghĩa hiệp của dân Trâu Lỗ, dân Kim Lũ đã cử người đem lễ vật sang đền Trâu Lỗ lễ thánh, tạ ơn. Từ đó hai làng kết nghĩa anh em.

Lịch sử của mối tình giao kết Kim – Trâu trải qua mấy thế kỷ và được duy trì ngày càng bền chặt bởi những việc làm nghĩa hiệp của nhân dân hai làng luôn cưu mang, giúp đỡ nhau trong lúc thiên tai, địch hoạ, hoặc giúp nhau làm ăn, tu sửa đình miếu, xây dựng làng xóm, duy trì củng cố những thuần phong mỹ tục. Mối quan hệ tâm giao Kim – Trâu là một biểu hiện khá đặc sắc và độc đáo trong truyền thống của nhân dân Trâu Lỗ.

Trong dịp đại lễ này, dân làng Trâu Lỗ cứ 10 năm lại mời dân Kim Lũ sang dự một lần. Cuộc hội ngộ thật chân tình, long trọng diễn ra ở đền, ở đình làng.

Ngày đại lễ dân làng Trâu Lỗ có tổ chức rước kiệu, bài vị, ngai nhà thánh từ đình ra đền để làm lễ mộc dục. Kiệu được đóng tại sân đền để dân dùng nước thơm tắm rửa ngai và bài vị tượng thành hoàng, rồi sau đó tổ chức tế lễ ở đền.

Thành hoàng của Trâu Lỗ là hai vị ” Vua ông” và ” Vua bà “.

Đến ngày 12/9 làng lại tổ chức rước về đình làm lễ hoàn toàn cung và để vui hội hơn. Trong lần hội lệ này, làng không tổ chứ trò vè gì mà chỉ cúng xôi, lợn để tỏ lòng ngưỡng vọng thành hoàng. Song do đây là đại lệ lại có dân kết chạ Kim Lũ sang dự nên nghi thức rất long trọng. Làng Trâu Lỗ dành r
iêng cho dân Kim Lũ ngồi hẵn nửa bên đình. Khi đón dân Kim Lũ từ đền nên đình, dân hai làng đi rất nghiêm trang, thận trọng để tránh điều gì sơ suất. Khi hai bên trò chuyện với nhau họ đều gọi nhau bằng “dân anh ” ” dân em “. Họ cùng nhau ôn lại lịch sử kết nghĩa và những thành quả hai bên tạo dựng cho nhau, qua đó mối tình giữa hai làng lại càng thêm gắn bó keo sơn.

Hội làng Trâu Lỗ không có nhiều trò vui nhưng dân các nơi vẫn ngưỡng mộ đến hội rất đông để chứng kiến và học tập truyền thống kết giao tốt đẹp của hai làng chạ.

Nguồn: bacgiang.gov.vn

Có thể bạn quan tâm