Đề án có quy mô khá hoành tráng, dự kiến sẽ xây dựng hệ thống 8 Trung tâm và Viện nghiên cứu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, bao gồm: Trung tâm thông tin quốc tế và trong nước; Trung tâm gia công hỗ trợ liên kết sản xuất trong nước; Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ; Trung tâm thí nghiệm và thẩm định giá; Trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá; Trung tâm mua hàng trong nướ; Trung tâm kho vận Logistics; Trung tâm Marketing.
Đặc biệt, để Đề án hoạt động có hiệu quả cao, “Hệ thống trung tâm thương mại, outlet V+” sẽ phối hợp với Ban vận động “Người Việt dùng hàng Việt” tại xã phường trong quá trình vận hành.
“Hệ thống trung tâm thương mại của chúng tôi dự kiến được triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trên cả nước, do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư, để làm chủ hệ thống phân phối hàng hóa, điều tiết sản xuất, tạo động lực cạnh tranh, phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường. Qua đó, tạo ra kênh tiêu thụ hàng hóa chủ động với chi phí thấp, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất cho hơn 870.000 doanh nghiệp, hơn 26.000 hợp tác xã và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Cũng thông qua dự án, sẽ tạo nên mạng lưới tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản trên toàn quốc, tới vùng sâu, vùng xa; xây dựng các trung tâm thương mại, outlet bán hàng giá rẻ hơn giá thị trường 30-40% (do miễn phí mặt bằng và các hỗ trợ khác) nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa; tạo việc làm mang lại thu nhập cho người dân”, đại diện Công ty cho biết.
Cũng theo đại diện này, hệ thống trung tâm thương mại, outlet V+ phối hợp với các nhà khoa học tư vấn, hỗ trợ người dân giống cây trồng, xây chuồng trại, cung cấp giống gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn quy trình sản xuất, hỗ trợ mặt bằng miễn phí để người dân và doanh nghiệp có nơi giới thiệu sản phẩm, đồng thời bao tiêu, phân phối sản phẩm…
Nhằm huy động trí tuệ, sự chung tay cho dự án, vừa qua, Công ty đã kêu gọi các nhân sỹ, trí thức, các chuyên gia kinh tế, và nhân dân cả nước cùng phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện Đề án. Đặc biệt, những ý kiến có giá trị sẽ nhận được giải thưởng của Công ty gồm: 1 giải Đặc biệt trị giá 5 tỷ đồng; 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 1 tỷ đồng; 16 giải Nhì, mỗi giải trị giá 500 triệu đồng; 30 giải Ba, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng; 100 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng. Dự kiến lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 10/10/2021.Hạn cuối nhận ý kiến là ngày 19/9/2021.
Dự kiến, sau 5 năm đi vào hoạt động, đề án sẽ giúp thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch/năm. Đơn cử như Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh (Hà Nội) nếu đi vào hoạt động năm 2022, thì lượng khách du lịch quốc tế đến du lịch và mua sắm tại Hà Nội năm 2023 ước tính sẽ đạt 30 triệu lượt, năm 2025 sẽ là 50 triệu lượt.
Cùng với đó, sẽ đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Dự kiến, riêng Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh (Hà Nội) khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà TP.Hà Nội thu được khoảng 100 tỷ đồng/ngày, tương đương hơn 36.500 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, mỗi dự án sẽ cố gắng tạo 10.000 – 20.000 việc làm cho người lao động (tùy quy mô dự án tại các tỉnh, thành).
“Các dự án thuộc Đề án đều không sử dụng đến ngân sách nhà nước. Hòa Bình sẽ đóng góp nghĩa vụ tài chính để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết nối các tỉnh”, đại diện Công ty chia sẻ.
Công ty Thương binh nặng Hòa Bình được thành lập từ năm 1987, gồm 9 thành viên, trong đó có 7 thành viên là thương binh nặng và 2 thành viên là bệnh binh. Sau hơn 30 năm hoạt động, hiện Công ty có hơn 3.000 lao động, doanh thu của công ty và các đơn vị thành viên hàng năm đạt gần 5.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Theo Báo Tin Tức