BNEWS Đề xuất của Hàn Quốc về việc xây dựng một ngân sách cao kỷ lục cho năm tới đã làm dấy lên lo ngại về mức nợ công ngày càng tăng của nước này.
Song, Seoul vẫn tin tưởng tình hình tài khóa có thể cải thiện trong bối cảnh nguồn thu thuế gia tăng mạnh mẽ nhờ đà phục hồi kinh tế.
Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 31/8 đã đề xuất mức ngân sách kỷ lục 604.400 tỷ won (519 tỷ USD) cho năm tới, tăng 8,3% so với mức 558.000 tỷ won của năm nay.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang lên kế hoạch duy trì chính sách tài khóa mở rộng trong năm tới để củng cố đà phục hồi kinh tế, thu hẹp tình trạng chênh lệch thu nhập ngày càng sâu sắc và chuẩn bị cho các sáng kiến chính sách thời hậu đại dịch COVID-19.
Theo kế hoạch chi tiêu của năm 2022, ngân sách dành cho lĩnh vực y tế, phúc lợi, tuyển dụng nhằm giải tỏa cách biệt về thu nhập và tăng cường mạng lưới an toàn xã hội được phân bổ 216.700 tỷ won, tăng 8,5% so với năm nay.
Trong đó, ngân sách cho các dự án hỗ trợ việc làm được phân bổ 31.300 tỷ won, nhằm tạo ra 1.050.000 việc làm ở khối nhà nước, 1.060.000 việc làm khối tư nhân. Khoản ngân sách cao kỷ lục 27.500 tỷ won được phân bổ ở lĩnh vực hạ tầng kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc sẽ đầu tư 33.700 tỷ won cho Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc (Korea New Deal 2.0). Bên cạnh đó, 11.900 tỷ won sẽ được phân bổ cho mục tiêu liên quan đến trung hòa carbon đến năm 2050.
Chính phủ Hàn Quốc cũng dành 16.400 tỷ won để chi trả 7 loại trợ cấp liên quan tới sinh kế, y tế và nhà ở cho người dân cùng với 41.300 tỷ won chi cho mục tiêu giảm cách biệt về giáo dục, nhà ở, y tế, dịch vụ chăm sóc, văn hóa sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc dự kiến phân bổ 4.100 tỷ won cho 5 gói hỗ trợ các gia đình, như trợ cấp trẻ em; 23.500 tỷ won ngân sách hỗ trợ tầng lớp yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, người có công và gia đình đa văn hóa.
Về phòng chống dịch COVID-19, chính phủ Hàn Quốc dự kiến sử dụng 3.500 tỷ won để tiêm chủng toàn dân, như đặt mua mới 90 triệu liều vaccine (mua 80 triệu liều vaccine mRNA và 10 triệu liều vaccine do các công ty Hàn Quốc phát triển) và 1.800 tỷ won cho ngân sách cho phòng dịch.
Kế hoạch chi tiêu lớn được xây dựng dựa trên dự báo nguồn thu từ thuế sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu tài khóa mới sẽ khiến Hàn Quốc thâm hụt ngân sách năm thứ ba liên tiếp vào năm 2022, năm cầm quyền cuối cùng của Tổng thống Moon Jae-in trong nhiệm kỳ 5 năm và nợ công của nước này sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000.000 tỷ won.
Theo dự báo của Bộ Tài chính, năm tới, nợ công của Hàn Quốc dự kiến lên tới 1.068.300 tỷ won, so với mức ước tính 965.300 tỷ won cho năm nay. Tỷ lệ nợ trên GDP sẽ tương đương 50,2% GDP vào năm tới và lên mức 58,8% GDP vào năm 2025.
Mặc dù Hàn Quốc có đủ dư địa để mở rộng chi tiêu tài khóa nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, song các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về tốc độ gia tăng của nợ công. Năm 2020, nợ công của Hàn Quốc đã tăng kỷ lục 123.700 tỷ won so với năm 2019 lên mức kỷ lục 846.900 tỷ won do chi tiêu tài khóa “khủng”.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng chi tiêu tài khóa mở rộng sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và tăng nguồn thu từ thuế, qua đó giúp cải thiện tình hình tài khóa.
Choi Sang-dae, một quan chức cấp cao phụ trách ngân sách, cho rằng năm tới sẽ là một bước ngoặt khi tình hình tài khóa cải thiện với thâm hụt ngân sách giảm mạnh. Thâm hụt ngân sách năm 2022 dự kiến sẽ tương đương 2,9% GDP, thấp hơn mức 4,4% GDP của năm nay.
Tuy vậy, dự báo của chính phủ về tình hình tài khóa có thể quá lạc quan trước đà tăng của chi phí an sinh xã hội và sự thiếu chắc chắn liên quan đến một chính quyền mới. Hiện hệ thống tài chính công của Hàn Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng khi tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa nhanh sẽ khiến chi phí an sinh xã hội tăng mạnh trong dài hạn./.
>>>Hàn Quốc lên kế hoạch cấm độc quyền thanh toán trong ứng dụng di động
Theo BNews/