Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, năm 2021 là năm hết sức khó khăn đối với khối doanh nghiệp, doanh nhân do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Với phương châm thực hiện mục tiêu kép, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Thành lập “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 Thành phố Hà Nội”. Lãnh đạo thành phố tổ chức 2 hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước”.
“Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh. Thành phố đã đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số; xây dựng thành phố hướng tới là thành phố thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt; thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động.”, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho biết: “Các doanh nghiệp cũng đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, thực hiện các công tác thiện nguyện trên khắp mọi miền tổ quốc theo phương châm 4Đ “Đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đúng nhu cầu”.
Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề” Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển. Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng 7 đến 7,5%, Thành phố xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện trong năm 2022. “Do đó, với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Chính quyền thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Với những đóng góp của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phát triển của Thành phố, gần 200 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 318.000 doanh nghiệp Thủ đô đã được đón nhận phần thưởng cao quý cấp Nhà nước, Thành phố Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… Đây là những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh, có nhiều trách nhiệm với cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước.
Với vai trò cầu nối, Hanoisme có hơn 10.000 thành viên đã thể hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Thành phố về phát triển kinh tế, an sinh xã hội: Tích cực triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội, đến nay đã hỗ trợ hơn 60 doanh nghiệp và 150 sản phẩm công nghiệp chủ lực được xét chọn.;Triển khai thực hiện có hiệu quả: Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phối hợp thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tháng Khuyến mại và tôn vinh các doanh nghiệp được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; đã có 285 sản phẩm của 175 doanh nghiệp hội viên đạt các Top bình chọn, nhiều doanh nghiệp được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia.
Theo Báo Tin Tức