BNEWS Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 21/9 đến 14 giờ ngày 22/9, thành phố ghi nhận 6 trường hợp F0, trong đó có 5 trường hợp tại khu vực cách ly tập trung và một trường hợp ngoài cộng đồng.
Chiều 22/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố chủ trì Giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Báo cáo tại Giao ban, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 21/9 đến 14 giờ ngày 22/9, thành phố ghi nhận 6 trường hợp F0, trong đó có 5 trường hợp tại khu vực cách ly tập trung và một trường hợp ngoài cộng đồng. Toàn thành phố hiện có 31 điểm còn phong tỏa, cách ly y tế tập trung.
Đáng chú ý, sau khi có một trường hợp F0 xảy ra ngoài cộng đồng tại quận Hà Đông, Sở Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương khoanh vùng diện hẹp và xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vừa được phép mở cửa trở lại và quản lý chặt người dân đi từ các tỉnh, thành khác về thành phố.
Liên quan đến vấn đề sau tiêm vaccine, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đưa ra những con số cho thấy, những người tiêm vaccine mũi 1, thậm chí ngay cả người tiêm vaccine mũi 2 vẫn có thể mắc COVID-19 và chuyển biến nặng nếu không có phác đồ điều trị phù hợp.
“Qua số liệu thống kê 3.308 bệnh nhân ở Hà Nội mắc COVID-19 đã được ra viện, trong đó 311 bệnh nhân đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19, chiếm 9,4% và 73 bệnh nhân đã được tiêm mũi 2, chiếm 2,2%. Tổng số bệnh nhân đã được tiêm mũi 1 và mũi 2 là 11,6%. Điều này cho thấy không thể chủ quan, kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể mắc bệnh và vẫn lây lan ra cộng đồng”, bà Trần Thị Nhị Hà phân tích.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, qua công tác điều trị cho 311 bệnh nhân đã được tiêm mũi 1, có 73 người phải điều trị ở tầng 2. Trong số 73 người đã tiêm vaccine mũi 2 có 21 người điểu trị ở tầng 2. Tầng 2 là tầng điều trị cho bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, không triệu chứng nhưng trên cơ sở bệnh lý nền. Ở tầng này nếu không được điều trị tốt, có phác đồ điều trị phù hợp rất dễ bị chuyển lên tầng 3, là tầng dành cho bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong cao. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, ngành Y tế đang cập nhật phác đồ tốt nhất và học tập kinh nghiệm của một số địa phương có nhiều ca F0 như tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị để điều trị sớm, chống đông, kháng viêm, cho bệnh nhân thở ô-xy sớm trong phác đồ điều trị để giảm số bệnh nhân phải chuyển tầng xuống còn 2-3%, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
“Hà Nội đã truy vết nhanh, phát hiện sớm ca F0 trong cộng đồng nên số bệnh nhân nặng ít hơn một số tỉnh khác. Hệ thống y tế dự phòng đang gồng mình để giảm tải cho hệ thống điều trị. Tuy nhiên, nếu người dân cứ chủ quan, lơ là không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như trình trạng tập trung đông người đêm rằm Trung Thu (tối 21/9 dương lịch), ngành Y tế rất lo lắng, công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn”, bà Trần Thị Nhị Hà bày tỏ.
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, ý kiến chia sẻ của các chuyên gia y tế cho thấy, việc tiêm vaccine là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, song không vì thế mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine lại chủ quan, lơ là. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, việc người dân và phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm của Hà Nội để vui Tết TrungTthu trong tối 21/9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch. Qua việc này cho thấy, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành, xây dựng kế hoạch và triển khai Chỉ thị 22 của UBND thành phố, đảm bảo rõ người, rõ việc, trong đó phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Các địa phương cần tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại khu dân cư để nắm tình hình di biến động. Chỉ thị 22 nêu rất rõ, các quận, huyện phải triển khai nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị 22 và cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K, phải có quét mã QR Code, cơ sở nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, triển khai kế hoạch tiêm vaccine. Đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của tiêm vaccine, tránh chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sau khi đã tiêm vaccine theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.
Ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai đưa phần mềm quản lý xét nghiệm đến 11 quận, huyện còn lại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR Code phục vụ công tác quản lý, truy vết.
Các địa phương, đơn vị căn cứ Chỉ thị 22 của UBND thành phố tổ chức kiểm tra theo các tiêu chí đảm bảo an toàn đối với từng loại hình đơn vị, công ty, công sở. Các sở, ngành cần cụ thể hóa, tham mưu với thành phố để hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn phòng, chống COVID-19 đối với từng loại hình, từng ngành nghề trên địa bàn.
Trong ngày 22/9, trao đổi với phóng viên báo chí liên quan việc người dân thành phố đổ ra đường đông đúc để chơi Trung Thu vào tối 21/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nộ
i vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, một trong những nguy cơ đó chính là sự chủ quan của cả một số cơ quan quản lý và của người dân. Việc tối Trung Thu, người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Rất đáng trách là rất nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng. Vì việc này, thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô bị thách thức rất lớn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong mong người dân rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế. Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả mọi người cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan./.
Theo BNews/