BNEWS Sau gần 13 năm giải phóng mặt bằng để nhường đất nông nghiệp cho các công trình phúc lợi, ngày 29/12, huyện Đông Anh tổ chức buổi bốc thăm bàn giao đất dịch vụ (đất ở) cho 197 hộ dân trên địa bàn.
Trước đó, huyện này đã tổ chức bốc thăm và bàn giao đất cho 534/735 hộ dân của huyện Đông Anh. Còn 4/735 hộ chưa được phê duyệt danh sách giao đất là do các hộ có kiến nghị, chưa hoàn thiện hồ sơ, hiện đang tổ chức rà soát và thanh tra (xã Vĩnh Ngọc 3 hộ; xã Kim Chung 1 hộ).
Như vậy, Đông Anh là địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho người dân theo chính sách giải phóng mặt bằng. Có mặt từ rất sớm để chuẩn bị bốc thăm chọn vị trí đất dịch vụ cho gia đình, ông Vũ Văn Tài, thôn Đông Trù xã Đông Hội (Đông Anh) cho biết, từ năm 2005 -2008, gia đình ông đã bàn giao cho Nhà nước gần 1.000 m2 đất nông nghiệp để xây cầu Nhật Tân và các công trình khác.
Theo quy định lúc bấy giờ, gia đình ông được nhận 1 suất đất dịch vụ là 80 m2. Tuy nhiên, do nhiều lần thay đổi chính sách cũng như huyện Đông Anh chưa bố trí được mặt bằng, nên gia đình ông phải chấp nhận chờ đợi cho đến ngày hôm nay mới được nhận đất dịch vụ.
Ông Tài chia sẻ, sau khi có đất dịch vụ, gia đình ông sẽ chia cho con cái để có chỗ ở rộng rãi hơn. “Tôi rất mừng là huyện Đông Anh đã quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục về giải phóng mặt bằng để có đất dịch vụ bàn giao cho người dân”, ông Tài hồ hởi nói.
Bà Hoàng Thị Bình ở thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa (Đông Anh) cho hay, cách thức của huyện về chia đất dịch vụ rất công khai dân chủ, công bằng. UBND huyện đã cho bốc thăm để nhận vị trí là hoàn toàn hợp lý, sẽ không có chuyện ưu ái để nhận xuất đất đẹp.
Theo ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, theo một số quy định của thành phố Hà Nội vào các năm 2008 và 2009 mỗi hộ dân mất khoảng trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao sẽ được nhận vị trí đất dịch vụ có diện tích là 80 m2.
Hiện tại, UBND huyện Đông Anh đã xây dựng hạ tầng gồm: san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, vỉa hè, điện nước…đủ điều kiện để các hộ dân xây dựng nhà, công trình. Sau khi người dân nộp đầy đủ tiền hạ tầng, UBND huyện sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng nghìn hộ dân thuộc các quận: Thanh Trì, Hà Đông; huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ….; trong đó, huyện Mê Linh có khoảng 5 nghìn hộ dân chưa được nhận đất dịch vụ sau nhiều năm bàn giao đất nông nghiệp cho các dự án từ hàng chục năm nay. Hiện, các địa phương trên đang gặp khó khăn về quỹ đất dành cho xây dựng khu đất dịch vụ.
Chia sẻ về kinh nghiệm cơ bản hoàn thành giao đất dịch vụ cho các hộ dân, ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho biết, từ nhiều năm qua, huyện Đông Anh đã nhiều lần họp bàn và xin chủ trương của thành phố về việc dành quỹ đất để bàn giao đất dịch vụ theo quy định.
Để việc giao đât dịch vụ cho các hộ đủ điều kiện được khách quan, dân chủ, huyện Đông Anh đã lập ra Hội đồng xét duyệt trên từ thôn đến xã, huyện, qua nhiều vòng một cách công khai dân chủ. Khi xong phương án xét duyệt, huyện Đông Anh tiếp tục cho công khai ở khu dân cư để người dân giám sát, đảm bảo công khai công bằng giữa các hộ dân.
“Ngay trong buổi bàn giao đất dịch vụ hôm nay, UBND huyện Đông Anh cho mời Công an, Viện kiểm sát, Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện và các xã đế chứng kiến và giám sát việc bốc thăm vị trí đất dịch vụ, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng”, ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh./. Theo BNews/