Kết quả, đối với nhóm tham gia hội thi là hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho hộ ông Huỳnh Văn Kiểm (huyện Hồng Ngự) với sản phẩm gạo an toàn Huỳnh Kiểm. Với nhóm dự thi là các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, giải Nhất hội thi được trao cho Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lương thực Hồng Tân với sản phẩm gạo ST24.
Hội thi Gạo ngon Đồng Tháp lần thứ II thu hút 11 đơn vị tham gia, gồm các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh, với 13 sản phẩm gạo. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hội thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Sản phẩm gạo dự thi được đánh giá qua 3 phần: Chấm điểm hồ sơ dự thi; thuyết trình; đánh giá dựa trên chất lượng sản phẩm, bao bì sản phẩm. Các đơn vị tham gia phải có quy trình sản xuất lúa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm gạo được cấp chứng nhận an toàn đang lưu thông trên thị trường; ưu tiên những sản phẩm gạo đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GLobalGAP, Organic.
Theo Ban Tổ chức, chất lượng các sản phẩm dự thi năm nay được nâng lên, bao bì sản phẩm thiết kế bắt mắt. Tất cả sản phẩm đều được lấy mẫu kiểm tra về an toàn thực phẩm, đảm bảo không có kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các đơn vị thuyết trình rõ, đầy đủ về sản phẩm. Nhìn chung, những công ty, doanh nghiệp tham gia hội thi đều xây dựng vùng liên kết với người sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Tổ chức Hội thi Gạo ngon lần thứ II cho biết, nâng cao chất lượng hạt gạo nhằm từng bước xây dựng thương hiệu gạo cho vùng Đất Sen hồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quan tâm thực hiện. Hội thi tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị có điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đây là cơ hội để liên kết giữa các nhà khoa học, nhà nông lai tạo giống lúa với các nhà sản xuất, nhà kinh doanh, cùng góp phần nâng cao chất lượng, đưa hạt gạo của tỉnh Đồng Tháp ngày càng vươn xa hơn.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và cây lúa là một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án. Những năm qua, việc đẩy mạnh hỗ trợ nông dân áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp sản xuất lúa theo quy trình tiên tiến đã giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao năng suất, chất lượng lúa, qua đó tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển. Giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo năm 2021 của Đồng Tháp đạt trên 15.800 tỷ đồng.
Theo Báo Tin Tức