Trang chủ » Gỡ khó cho sản xuất, xuất khẩu nông sản do dịch COVID-19

Gỡ khó cho sản xuất, xuất khẩu nông sản do dịch COVID-19

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Trái vải được bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Khó khăn chồng chất

Những ngày này, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VINA T&T GROUP (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây vào Mỹ, Canada, Nhật, Australia) hiện đang như ngồi trên đống lửa. Doanh nghiệp của ông có nhà máy ở Tiền Giang, Bến Tre, nhà máy liên kết ở Đồng Tháp và đang tiến hành thu mua dưa hấu, sầu riêng, nhãn, thanh long, vú sữa, xoài ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên. Từ khi dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp, vùng nguyên liệu đang bị phong toả, giãn cách, thiếu hụt lượng lớn lao động. Thời gian làm việc của doanh nghiệp chỉ kéo dài từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối.

“Bình thường, công nhân của chúng tôi làm việc từ 3 giờ sáng ra vùng nguyên liệu, 18 -19 giờ là đem sản phẩm thu hoạch về nhà máy và chế biến đến khoảng 22 giờ đến 0 giờ và xử lý khoảng 200 tấn trái cây/ngày thì nay chỉ còn 30 – 40% công suất”, ông Tùng cho biết.

Cùng tâm trạng của ông Tùng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khác hiện cũng “đau đầu” về giá cước vận tải đường biển hiện nay đã tăng khoảng 5 lần so với trước khi bùng phát dịch COVID-19. Thậm chí có thông tin rằng, nguy cơ các hãng tàu biển sẽ không nhận vận chuyển hàng lạnh, trong đó có hàng rau quả lạnh. Trên thực tế hiện nay, các hãng tàu cũng đang rất hạn chế vận chuyển hàng lạnh vì giá thành vận chuyển bằng hàng khô nhưng rủi ro cao.

Ngoài ra, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít bà con nông dân tại các địa phương đang rất hoang mang, không biết dịch sẽ kéo dài bao lâu nên liệu có đầu tư cây trồng hay không. Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu lượng lớn hàng hoá chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sau khi dịch COVID-19 qua đi.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thuỷ sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/8, đại diện UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ĐBSCL là trọng điểm cả nước về sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản, nông sản, trái cây. Với Cà Mau, trọng điểm là mặt hàng thuỷ sản, toàn tỉnh hiện có hơn 30 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Tình hình dịch bệnh phức tạp chỉ cho phép các cơ sở đảm bảo tổ chức được sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” được hoạt động nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu để được duy trì sản xuất.

Theo đại diện tỉnh Cà Mau, năng lực sản xuất giảm sút, nguyên liệu sẽ dư thừa dẫn tới giảm giá. Nếu giảm giá đến mức người nông dân hết lãi thì tương lai sẽ không duy trì được sản xuất. Sau làn sóng COVID-19 sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu.

“Bắt tay” tháo gỡ 

Chú thích ảnh
Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thuỷ sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/8/2021

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, cụ thể là Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức làm việc với các hãng tàu biển, thương lượng theo hướng ưu tiên vận chuyển hoặc ít nhất là vận chuyển một phần hàng lạnh.

“Nếu hãng tàu biển ngừng vận chuyển hàng lạnh sẽ gây ách tắc xuất khẩu, sản xuất ra không tiêu thụ được. Dù cơ quan quản lý nhà nước đã làm việc với các hãng tàu nhưng chưa tìm được tiếng nói chung; cần cố gắng đàm phán để đưa thêm container lạnh xuống tàu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị được giảm bớt tiền điện cho cơ sở dự trữ hàng hoá, đông lạnh”, ông Tùng đề nghị.

Một số ý kiến doanh nghiệp mong muốn khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” sẽ được áp dụng thời gian làm việc dài hơn. Ông Tùng kiến nghị: “Các tỉnh cho phép đội ngũ thu hoạch trái cây được bắt đầu làm việc sớm hơn 6 giờ sáng. Nếu thu hoạch muộn, vận chuyển về nhà máy khoảng 8 – 9 giờ nắng đã lên, nguy cơ hư hại khá cao; đồng thời kiến nghị cho đội ngũ sản xuất về trễ hơn 18 giờ chiều”.

Còn đại diện UBND tỉnh Cà Mau đưa ra kiến nghị, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khiến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Để góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân thuộc các tỉnh thành phố phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc số lượng, chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, có giải pháp để tự cân đối nhu cầu tại chỗ. Số còn lại phải khẩn trương kết nối với hai Tổ công tác đặc biệt của hai Bộ và các Vụ, Cục chức năng và các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp thu mua… để được tư vấn hỗ trợ tiêu thụ khẩn cấp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phải xác định thị trường trong nước lúc này là quan trọng nhất. Đồng thời, giữ vững mở rộng thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Nam Á, Đông Á, châu Âu, Úc (nhất là các nước Ấn Độ, Pakistan, Indonesia…).

Để gỡ khó về thiếu nhân lực, phương tiện trong khâu thu hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương liên hệ với đơn vị quân đội sở tại qua Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (hoặc quân khu, đơn vị đóng quân trên địa bàn) để được giúp đỡ, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các ngành chức năng địa phương cần hướng dẫn người dân trong các khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói… bảo đảm an toàn dịch bệnh và phải có xuất xứ truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa rõ ràng. Đồng thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thu mua thực hiện các biện pháp bắt buộc (tiêm vaccine, xét nghiệm cho người và cấp mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa).

Đặc biệt, cần tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và quy định, khuyến cáo của các Bộ, ngành chức năng để việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong từng địa phương và giữa các địa phương với nhau được thuận lợi, dứt khoát không tự đặt ra các quy định riêng mà làm cản trở lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản, thực phẩm đang cần tiêu thụ.

Chú thích ảnh

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm