Với hơn 3 sào bưởi Phúc Trạch, năm nay gia đình chị Trần Thị Lường (thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch) dự tính thu hoạch hơn 3.500 quả. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP, cho nên bưởi năm nay ra quả đồng đều và chất lượng tốt hơn năm trước.
Chị Trần Thị Lường cho biết, tầm thời gian này mọi năm là tại vườn đã nhộn nhịp các thương lái vào thu mua. Năm nay, các thương lái không thu mua cả vườn mà chỉ mua lẻ với số lượng vài chục quả/lần, cho nên gia đình phải nhờ người thân rao bán qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để tránh ế hàng.
Tại khu vực Ga Hương Phố, điểm tập kết bưởi lớn nhất ở phố huyện Hương Khê, hoạt động mua – bán bưởi Phúc Trạch cũng khá trầm lắng. Theo chia sẻ của các thương lái, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chính quyền địa phương không cho phép tụ tập đông người, cho nên người dân tách thành từng tốp nhỏ để bán bưởi. Hiện tại, mỗi ngày, tại khu vực này chỉ tiêu thụ khoảng 5.000 quả bưởi, chủ yếu đưa đến thị trường Hà Tĩnh và Vinh (Nghệ An).
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hương Khê, năm 2021, toàn huyện có hơn 2.700 ha bưởi với sản lượng ước đạt 21.000 tấn (giá trị sản xuất khoảng 700 tỷ đồng). Ngoài sản lượng lớn, bưởi Phúc Trạch trong vụ 2021 cũng được nhiều nhà vườn chăm sóc tốt, đạt tiêu chuẩn VietGap. Hiện đã có 1 số vùng thấp trũng trên địa bàn huyện cho thu hoạch bưởi, diện tích thu hoạch ước đạt gần 10 ha. Nhưng nhìn chung việc tiêu thụ bưởi của nông dân đang gặp trở ngại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết, mặc dù đã bước vào vụ thu hoạch bưởi Phúc Trạch, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thương lái (tiêu thụ 70-75% sản lượng bưởi) vẫn chưa đến thu mua, đặt hàng số lượng lớn như những năm trước. Một số thị trường tiêu thụ chính như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thành phố Vinh… đang thực hiện giãn cách xã hội, nên việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc tiêu thụ các đơn hàng nhỏ lẻ, nhất là các đơn hàng có số lượng dưới 1.000 quả cũng gặp nhiều khó khăn bởi chi phí vận tải lớn, các phương tiện vận tải vừa và nhỏ đã phải dừng hoạt động, hoặc cắt tuyến để phòng, chống dịch…
Để khắc phục khó khăn này, Sở Công Thương Hà Tĩnh đang phối hợp các địa phương, đơn vị tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận tải, đóng gói và kho bãi để vận chuyển tiêu thụ hàng hóa bằng việc ưu tiên tiêm vaccine, xét nghiệm cho đội ngũ bán hàng, vận tải; cấp luồng xanh cho các phương tiện vận tải hàng hóa nông sản, bưởi vận chuyển đi tiêu thụ các tỉnh…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ, để đồng hành cùng người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện đang chuẩn bị thành lập tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ bưởi Phúc Trạch.
Thời gian qua, Hương Khê cùng với ngành nông nghiệp đã nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số đối với cây bưởi Phúc Trạch, tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Để thuận tiện cho người dân tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, UBND huyện Hương Khê đã phối hợp với Ban quản lý chợ Huyện bố trí một khu vực dành riêng cho kinh doanh, mua bán bưởi Phúc Trạch không thu phí.
Huyện Hương Khê cũng đang kêu gọi và tạo điều kiện thuê đất, đấu giá và hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng kho bảo quản bưởi và cam. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền người dân tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế trong quá trình thu hoạch, bảo đảm phòng dịch.
Nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ bưởi, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy đã ký thư ngỏ gửi tới Trung ương Hội Nông dân, hội nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước và các văn bản đến các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh, hội nông dân các địa phương trong tỉnh để kêu gọi xúc tiến kết nối, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết, Hội nông dân các cấp đang tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân đăng ký mua bưởi Phúc Trạch, phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ tiêu thụ ít nhất 2.000 quả bưởi.
Theo Báo Tin Tức