Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) và cấp độ 3 ở các khu vực còn lại trên cả nước kể từ đầu tháng 7 vừa qua, song dường như không có hiệu quả trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Các chuyên gia cho rằng biện pháp giãn cách xã hội hiện tại vốn được sửa đổi nhằm mang lại cho các cá nhân quyền tự chủ cao hơn so với trước đây, song lại không đủ mạnh để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo đó, họ đưa ra đề xuất chính phủ nên xem xét áp dụng các quy định cứng rắn hơn, chẳng hạn như mở rộng chính sách làm việc tại nhà và tăng số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cắt giảm thời gian hoặc đình chỉ hoạt động hoàn toàn…
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc ngày 12/8 ghi nhận thêm 1.987 ca nhiễm mới, trong đó có 1.947 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 218.192 ca. Đây cũng là ngày thứ 37 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày trên ngưỡng 1.000 ca. Đặc biệt, có tới 746 ca nhiễm mới phát sinh ở các địa phương ngoài Seoul và khu vực lân cận thủ đô, liên tiếp xác lập mức cao kỷ lục nhiều ngày qua. Ngay cả khi so sánh với thời điểm bùng phát làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất, với tâm dịch là thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang hồi tháng 2 và tháng 3/2020, đây vẫn là con số cao kỷ lục. Số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 2.138 ca, tăng 19 ca so với ngày 11/8.
Theo ông Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Guro (Hàn Quốc), Chính phủ Hàn Quốc nói rằng các quy tắc giãn cách xã hội cấp độ 4 là các biện pháp cứng rắn, tuy nhiên các biện pháp này chủ yếu tập trung vào việc hạn chế các cuộc tụ tập riêng tư và hầu như không có hạn chế đối với việc sử dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Hệ thống các quy tắc giãn cách xã hội được áp dụng từ tháng 12/2020 đến hết tháng 1/2021, thời điểm Hàn Quốc xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3, quy định các quán cà phê chỉ được phục vụ đồ mang đi và giao hàng tại nhà, đồng thời giới hạn giờ làm việc đến 21h. Trong khi đó, quy tắc giãn cách hiện tại lại cho phép các quán cà phê cung cấp dịch vụ ăn uống và mở rộng giờ làm việc đến 22h ngay cả khi áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhất (cấp độ 4).
Theo các chuyên gia dịch tễ, biện pháp hiệu quả nhất để chống lại đại dịch hiện nay là tăng tốc độ tiêm chủng. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không hề dễ do nguồn cung vaccine toàn cầu không ổn định và cũng là một vấn đề mà chính phủ các nước không thể tự kiểm soát. Do đó, những gì còn lại phải làm sẽ là tăng cường các quy tắc giãn cách xã hội hiện có.
Ông Lee Jae-gab, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Thánh Tâm thuộc Đại học Hallym (Hàn Quốc) cho rằng: “Chính phủ Hàn Quốc nên nâng các quy định về giãn cách xã hội lên cấp 4 ở các khu vực bên ngoài Seoul. Bên cạnh đó cũng cần mở rộng các loại cơ sở dịch vụ phải đình chỉ hoạt động”.
Giáo sư Chon Eun-mi của Trung tâm Y tế Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) khuyến nghị Chính phủ nên khuyến cáo mạnh mẽ người dân làm việc tại nhà nhiều hơn”.
* Tại Nhật Bản, phát biểu với báo giới, ông Shigeru Omi – Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19, cho rằng đại dịch COVID-19 nên được xem như một thảm họa tự nhiên và kêu gọi chính phủ tăng cường xét nghiệm để phát hiện các ca mắc và khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Chuyên gia này cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nên có biện pháp để giảm 50% số lượng người di chuyển so với mức trung bình của tháng 7 vừa qua.
Trong bối cảnh thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng một cách báo động, giới chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cũng kêu gọi chính quyền thành phố cần giảm 50% số khách đến các cửa hàng bán lẻ so với mức trung bình hồi đầu tháng 7.
Theo đề xuất đưa ra cùng ngày 12/8, các chuyên gia thuộc tiểu ban chính phủ về phòng, chống COVID-19 hối thúc nhà chức trách tăng cường biện pháp nhằm giảm số lượng người tập trung tại những nơi có nguy cơ cao như các khu ẩm thực ở tầng hầm của các trung tâm mua sắm và siêu thị. Trong khi số bệnh nhân COVID-19 cần được điều trị gia tăng, các chuyên gia nhấn mạnh chính phủ cần tìm cách thức hợp tác với các tổ chức y tế chưa từng tham gia vào công tác đối phó với dịch COVID-19 và tăng cường phối hợp với các chính quyền tỉnh để giúp điều trị cho những trường hợp nhập viện.
Tại cuộc họp của chính quyền Tokyo về công tác theo dõi dịch COVID-19 cùng ngày, các chuyên gia nhận định tình hình dịch hiện nay tại thủ đô là “tình huống khẩn cấp ở cấp độ thảm họa vượt tầm kiểm soát”. Trong bối cảnh số ca mắc mới tại Tokyo dao động trong khoảng 2.000 – 5.000 ca/ngày trong những tuần gần đây, các chuyên gia cảnh báo hệ thống y tế sắp rơi vào quá tải. Họ cho rằng số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày có thể sẽ lên tới 5.113 ca vào ngày 25/8 tới nếu dịch bệnh tiếp diễn theo xu hướng này.
Theo thống kê của hãng tin Kyodo, ngày 11/8, Nhật Bản ghi nhận 15.812 ca mắc mới, vượt mức cao nhất từng được ghi nhận là 15.753 ca ngày 7/8 vừa qua. Trong đó, thủ đô Tokyo có thêm 4.200 ca mắc COVID-19, vượt mức 4.000 ca/ngày sau một thời gian ngắn giảm xuống. Số ca bệnh nặng tại Tokyo tăng lên mức cao mới là lên 197 ca, tăng vọt so với 176 ca được ghi nhận một ngày trước đó.
Theo Báo Tin Tức