Là giáo viên đã có hơn 30 năm trong nghề với 25 năm làm công tác quản lý nhưng chỉ đến khi nhận công tác tại trường tiểu học Đức Thắng số 1- ngôi trường đầu tiên trong huyện Hiệp Hoà thành lập được lớp học dành cho trẻ khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ, cô giáo Giáp Thị Ngọc Tâm thấy băn khoăn và nung nấu ý nghĩ “làm thế nào để các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này có điều kiện phát triển và vợi bớt thiệt thòi”.
Đến dự giờ thăm lớp học khuyết tật, cô Tâm đã rớt nước măt trước những hoàn cảnh khó khăn của các em: em thì vừa câm, vừa điếc, em thì bị thần kinh, thiểu năng trí tuệ, chân tay bị khoèo nên khi tra cứu trên Internet thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi “sáng kiến giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn“, cô Tâm đã trào nước mắt khi nghĩ rằng đây chính là cơ hội cho các em học sinh của cô. Thế rồi cô bắt tay vào viết sáng kiến “giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ trong trường tiểu học thông qua hoạt động tập thể nhóm và sao nhi đồng“. Vất vả và hồi hộp. Cuối cùng cô đã được đền đáp xứng đáng, sáng kiến giáo dục của cô đã được đánh giá cao, là một trong 46 sáng kiến cấp Quốc gia, được BTC dự án của Bộ giáo dục và đào tạo trao giải thưởng và được hỗ trợ kinh phí 10.000 USD.
Dự án đã đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang bị quần áo đồng phục, sách vở, thiết bị đồ dùng học tập, bố trí cho các em ăn, ở bán trú, mua bảo hiểm toàn diện, khám sức khoẻ định kỳ và tổ chức học văn hoá, hoạt động nhóm, sao nhi đồng cho 20 em học sinh bị khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ trong nhà trường. Căn cứ vào tâm lý, khả năng của hai nhóm trẻ là khuyết tật và chậm phát triển trí tuệ nên dự án đã có những phương pháp giáo dục phù hợp. Đặc biệt, hoạt động tập thể nhóm và sao nhi đồng là một trong những cách học theo phương pháp mới, rất linh hoạt, sáng tạo. Với hình thức các anh, chị lớp 4, lớp 5 hướng dẫn các em nhỏ, hình thức này không gò bó trong lớp học mà diễn ra ở các địa điểm khác nhau. Qua đó, giúp các em khuyết tật rèn luyện ý thức kỷ luật nhưng lại rất sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn học sinh, các em được học mà chơi, chơi mà học, tiếp nhận kiến thức văn hoá, xã hội một cách hào hứng, tự giác và tự tin hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, với trẻ em bị khuyết tật như khiếm thị, khiếm thính thì lại có trí nhớ khá tốt. Vì thế, cô Tâm và tổ giáo viên trong dự án đã thử nghiệm dạy môn học tự chọn để định hướng công việc cho các em khi lớn lên như môn vẽ, chụp ảnh, vi tính… Sau một năm thực hiện dự án đã cho thấy kết quả hết sức khả quan các em ở lớp riêng biệt đã biết đọc, biết viết, biết làm toán giản đơn. Đặc biệt, các em đã mạnh dạn hơn, tự tin hoà nhập cuộc sống cộng đồng. Nhìn các em bị câm, điếc mà làm toán cộng trừ con số trong phạm vi 100 rất nhanh và tốt, hay như các em hào hứng vẽ tranh rất có hồn, sinh động, rồi chụp ảnh biết lấy tiêu cự xa gần, biết chụp ảnh xhân dung, phong cảnh và đặc biệt sử dụng máy vi tính, biết truy cập internet… cho thấy sự cố gắng nỗ lực của tổ giáo viên trong dự án, nhất là cô Giáp thị Ngọc Tâm – hiệu trưởng nhà trườg – chủ dự án – người theo sát dự án từ khi còn là sáng kiến. Dự án đã mang tính xã hội và tính nhân đạo sâu sắc, bởi giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ làm giảm bớt khó khăn cho gia đình, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, mang lại niềm tin cho trẻ và cho gia đình các em. Đồng thời cũng khẳng định quyền được chăm sóc và quyền được học tập của trẻ em khuyết tật. Vui mừng trước thành công của dự án, cô Giáp Thị ngọc Tâm còn cho biết: “Để giúp những học sinh bị thiệt thòi có cơ hội hoà nhập, vươn lên trong cuộc sống, nếu có điều kiện tiếp tục duy trì mở rộng thì dự án sẽ chú trọng hơn tới mảng giáo dục kỹ năng sống cho các em, phát triển khả năng nổi trội riêng biệt của từng em để giáo dục và bồi dưỡng, mở ra tương lai cho các em“.
Tâm huyết với sự nghiệp trồng người, luôn hết lòng với trẻ em khuyết tật – đó là những lời nhận xét chân thành của bạn bè đồng nghệp dành cho cô Giáp Thị Ngọc Tâm. Những danh hiệu 20 năm liên tục là chiến sỹ thi đua các cấp, hai bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, UBND huyện, huy chương vì sự nghiệp giáo dục, huy chương vì sự nghiệp khuyến học… là những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến của cô Tâm. Sống hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng cũng từng là giáo viên giỏi cấp tỉnh nhiều năm, nay đã về hưu và hai con trai thành đạt, cựu sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật và Ngoại Thương nhưng cô Giáp Thị Ngọc Tâm luôn trăn trở, chia sẻ và yêu thương những trẻ em bị thiệt thòi hết lòng như chính cái tên của cô.
Tác giả: Nguyễn Phương Nhung, Đài TT Hiệp Hoà- Bắc Giang,đăng 25/9/2009