Theo đó, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đã có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô về các điều kiện cần thiết khi phương tiện vận tải lưu thông vào thành phố.
Từ 8 giờ ngày 23/8 cho đến khi có quy định mới, tất cả các phương tiện vào thành phố Đà Nẵng phải thực hiện đăng ký phương tiện trực tuyến. Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng lưu ý, việc khai báo y tế trước khi vào thành phố Đà Nẵng phải được xác nhận cho phép (theo lĩnh vực được phép hoạt động trong giai đoạn phòng chống dịch) để thuận lợi, nhanh chóng giúp việc kiểm tra tại các chốt đảm bảo.
Đồng thời, người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện sau khi khai báo, đăng ký thì phải lưu trữ mã QR Code bằng hình thức in ra giấy hoặc lưu lại hình ảnh trên điện thoại để phục vụ kiểm tra tại chốt kiểm soát liên ngành tại cửa ngõ vào thành phố Đà Nẵng.
Khi vào các chốt kiểm soát liên ngành tại cửa ngõ vào thành phố Đà Nẵng, người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện được xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 tại chỗ và phải có kết quả âm tính mới đủ điều kiện đi vào thành phố.
Tại Hải Phòng, Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng vừa công bố số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Số điện thoại Tổng đài đường dây nóng là: 0225.3842931.
Theo đó, tổng đài tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải cần nhấn phím 5 để liên hệ Phòng Quản lý vận tải; tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp về an toàn giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông sẽ nhấn phím 6 để liên hệ Phòng Hạ tầng giao thông và An toàn giao thông; liên hệ Văn phòng Sở Giao thông vận tải Hải Phòng – nhấn phím 3.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện quy định siết chặt giãn cách xã hội, chỉ một số đối tượng theo quy định được ra khỏi nhà, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã làm việc với Tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải để giải quyết những khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Theo đó, để sớm giải quyết các khó khăn trong ngày đầu triển khai siết chặt giãn cách xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 2850/UBND-XV ngày 23/8/2021 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương và Tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Lê Đình Thọ là Tổ trưởng đã thống nhất một số nội dung.
Cụ thể, Bộ Công Thương khi tiếp nhận phản ánh về giao thông phải đề nghị người phản ánh hoặc doanh nghiệp cung cấp đầy đủ mã QR code; kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 tiếng (tuỳ địa phương); các giấy tờ theo thông báo của vùng dịch (tùy theo địa phương, riêng TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang thực hiện theo Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Sau khi có đủ các mục nêu trên, nếu chốt kiểm soát không cho đi thì nêu rõ lý do, nếu do cơ chế sẽ chuyển sang Bộ Giao thông vận tải xử lý hoặc hướng dẫn doanh nghiệp báo cho Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông vận tải xử lý việc vận chuyển theo đúng chức năng nhiệm vụ.
Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Công Thương vừa có hai công văn gửi Bộ Giao thông vận tải và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Cùng với đó, hướng dẫn khi ban hành cần quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện, đặc biệt là điều kiện để đi qua các chốt kiểm soát đối với hai trường hợp đã được cấp mã QR Code và chưa được cấp mã QR Code.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải có thể hợp nhất các văn bản hướng dẫn trước đây để các địa phương và các doanh nghiệp dễ thực hiện.
Sở Công Thương các địa phương khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nhất là khi đi qua các chốt kiểm soát, hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ với đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải tại địa phương để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Từ đó, tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo Báo Tin Tức