BNEWS Công tác an toàn vệ sinh lao động cần được tăng cường truyền thông, hướng dẫn, ôn luyện, tập huấn thường xuyên để việc đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động trở thành thói quen.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức truyền thông và huấn luyện tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở doanh nghiệp và lực lượng lao động khu vực phi kết cấu ở các nghiệp đoàn trực thuộc tổ chức Công đoàn.
Theo ông Phạm Chí Tâm – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn tai nạn lao động xảy ra từ những sơ xuất ban đầu, chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ từ phía doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhất là tại các công trình xây dựng nhỏ, lẻ, cơ sở có sản xuất có máy móc, thiết bị điện ít duy tu, bảo dưỡng… Do vậy, công tác an toàn vệ sinh lao động không chỉ cần được duy trì mà cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn, ôn luyện, tập huấn thường xuyên để việc đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động trở thành thói quen nhằm bảo vệ sức khỏe, tài sản, tính mạng của người lao động…
Liên đoàn Lao động Thành phố đã tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ về công tác an toàn vệ sinh lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động khu vực phi chính thức; về kỹ năng và phương pháp hoạt động của lực lượng an toàn – vệ sinh viên. Đại diện các chuyên gia, giảng viên kỹ thuật nghiệp vụ cũng đã chia sẻ các văn bản pháp lý, quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các yếu tố nguy hiểm, có hại và biện pháp kiểm soát an toàn; nguyên tắc tổ chức mạng lướng an toàn vệ sinh viên; vai trò trách nhiệm của Công đoàn cơ sở về công tác an toàn vệ sinh lao động qua đó đẩy mạnh phong trào “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” tiến đến xây dựng văn hóa an toàn tại đơn vị, doanh nghiệp.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn Lao động Quận 5 tổ chức chương trình chăm lo công nhân, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc thăm hỏi, động viên, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm “Giúp nhau vượt khó”. Đồng thời, tổ chức khám, điều trị hậu COVID-19 cho hơn 500 nữ công nhân; nói chuyện chuyên đề về “Tác dụng của việc đọc sách gắn với cải thiện sức khỏe tinh thần hậu COVID-19” cho đoàn viên Công đoàn và công nhân viên chức, người lao động.
Năm 2021, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 544 vụ tai nạn lao động (giảm 45,92% so với năm trước) làm 549 người chết và bị thương (giảm 46,69%); trong đó có 542 vụ xảy ra tại các cơ sở, doanh nghiệp có trụ sở hoạt động trên địa bàn thành phố, khiến 547 người chết, bị thương.
Tai nạn lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực thi công xây dựng chiếm tỉ lệ cao với 16/52 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2021 (chiếm 30,77%). Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn chiếm 40,03%; nguyên nhân khách quan khó tránh chiếm 38%…./.
Theo BNews/