Quan sát giá vàng tuần qua đã tăng 500 nghìn đồng/lượng. Đóng cửa giao dịch cuối tuần 23/10, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 57,55 – 58,27 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, ngay từ sáng đầu tuần 18 – 19/10, giá vàng liên tiếp tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên các giao dịch ngày trước đó.
Sáng 20/10, giá vàng chững lại và bật tăng mạnh 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra vào sáng 21/10 so với chốt phiên giao dịch hôm trước. Sau đó, giá vàng giữ ổn định trước khi tăng nhẹ vào cuối tuần.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 22/10, giá vàng tăng, nhưng giảm xuống đôi chút vào cuối phiên sau khi những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã làm gia tăng khả năng Fed sớm bắt đầu giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng.
Khép lại phiên này, giá vàng giao tháng 12/2021 tăng 14,40 USD, hay 0,8%, lên 1.796,30 USD/ounce. Trước đó, giá vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch ở mức 1.815,50 USD/ounce trong suốt phiên này. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 1,6%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/8. Mức tăng này đánh dấu tuần tăng giá thứ tư trong năm tuần qua.
Ông Powell ngày 22/10 nhận định rằng, đà tăng lạm phát tại Mỹ có thể sẽ kéo dài sang năm sau và đã đến lúc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD của Fed. Cuộc họp chính sách tiếp theo của ngân hàng này sẽ diễn ra vào hai ngày 2-3/11. Giá vàng giảm xuống vào cuối phiên do sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời vào cuối tuần và hoạt động bán ra sau bình luận trên của Chủ tịch Fed.
Tuy nhiên, ông Chintan Karnani, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Tư vấn kinh doanh Insignia Consultants (Ấn Độ) nhận định, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi những lo ngại về lạm phát. Ông cho biết, Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, và trong hai tuần tới sẽ diễn ra nhiều cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn, như Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Fed.
Theo Báo Tin Tức