Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Nguyễn Lan Anh, số 5/77 phố Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai cho biết: Dịp cuối tuần, đặc biệt ngày lễ cúng rằm, lễ Vu Lan, nhu cầu mua thực phẩm của người dân tăng mạnh.
“Tôi ra chợ từ sớm thấy nhiều mặt hàng cá, tôm, thịt gà “cháy hàng”. So với ngày đầu tuần, giá một số loại rau xanh tăng 20%; thịt, cá tăng 10%, riêng loại tôm đồng, cá nhỏ bán rất ít, giá cả đắt. Một số lò mổ lợn, bò có người nhiễm COVID-19 bị đóng cửa nên thịt bò, thịt lợn không nhiều như trước”, chị Lan Anh cho biết.
Cũng theo chị Lan Anh, giá mướp hiện là 15.000 đồng/kg; bí xanh 25.000 đồng/kg; rau cải xanh, rau mùi 7.000 đồng/mớ; tôm đồng 250.000 đồng/kg; cua 160.000 đồng/kg; sườn 150.000 đồng/kg; cá rô phi 40.000 đồng/kg; cá thu khúc 270.000 đồng/kg; cá trắm 60.000 đồng/kg. “Dịch bệnh mỗi nơi bán một giá trong khi tâm lý người đi chợ đều muốn mua nhanh nên không hỏi giá, tiểu thương báo giá bao nhiêu, khách trả bấy nhiêu nên có lúc cũng bị tính đắt”, chị Lan Anh chia sẻ.
Tại ngõ 24 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, một số bà nội chợ cho biết, do chợ tạm bị đóng cửa, hàng rong không được bán nên một số thực phẩm phải đi mua ở nhiều nơi khác nhau. “Mùa lễ Vu Lan năm nay, do dịch bệnh nên nhiều gia đình cũng sắm lễ đơn giản, thu nhập giảm, giá hàng hóa tăng nên cũng phải thắt chặt chi tiêu. Nếu như trước kia, giá trứng gà ta là 35.000 đồng/chục, nay là 50.000 đồng/chục; trứng gà công nghiệp 45.000 đồng/chục, tăng 20.000 đồng/chục so với trước. Thịt gà tăng mạnh với giá 170.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng/kg. Giá cam sành 70.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với trước”, chị Nguyễn Thu Thảo, ngõ 24 phố Bà Triệu cho biết.
Anh Nguyễn Tuấn Thành, phố An Dương (quận Tây Hồ) chia sẻ: Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng hải sản ngày càng ít. Trước đây giá mặt hàng tôm, mực dao động từ 160.000 – 220.000 đồng/kg, nay tăng lên 250.000 – 300.000 đồng/kg khi đặt mua online.
Khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ lớn ở Hà Nội như: Chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, chợ Hôm, giá thịt lợn đều tăng 10.000 đồng/kg so với trước. Theo đó, giá thịt ba chỉ là 160.000 đồng/kg; thịt chân giò 150.000 – 160.000 đồng/kg; gà lễ 130.000 đồng/kg (chưa tính công làm sạch), tăng 10.000 đồng/kg so với những ngày trước. Do vận chuyển khó khăn, giá một số loại hoa tăng. Giá hoa ly vàng 230.000 – 240.000 đồng/chục bông, tăng gần gấp đôi so với trước; ly trắng là 200.000 đồng/bó; ly đỏ 150.000 đồng/bó; cúc lưới Đà Lạt 70.000 – 75.000 đồng/chục bông…
Đối với những mâm cỗ đặt sẵn, chị Thu Hương, chủ shop thực phẩm Bể Cá, phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Những ngày qua, nhà hàng nhận được các đơn hàng đặt mâm lễ cúng rằm tháng 7 âm lịch nhưng không dám nhận nhiều vì rất khan hiếm người vận chuyển (shipper). “Nguyên liệu thực phẩm tăng không đáng kể nhưng khâu vận chuyển cực kỳ khó khăn, phí vận chuyển rất đắt vì shipper có giấy phép liên quận hiếm. Bình thường nhà hàng có thể nhận 80 – 100 đơn của các khách hàng nhưng giờ chỉ nhận 45 đơn chia ra làm 2 điểm giao hàng” chị Thu Hương chia sẻ.
Hiện, mâm cúng lễ gồm 5 món chín được bán với giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, món bánh cũng được nhiều bà nội chợ chọn dâng cúng chúng sinh vì đây là món bánh dân gian, giá bánh nếp nhân đậu xanh mỡ giòn tại là 150.000 đồng/chục; bánh nếp nhân tôm thịt 180.000 đồng/chục.
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến ngày 6/9 để siết chặt công tác phòng dịch COVID-19. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết: Qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội đã bảo đảm hàng hóa cho người dân trên toàn hệ thống phân phối, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định phục vụ người dân.
Theo bà Phương Lan, do dịch bệnh phức tạp nên trong khi triển khai cũng có vướng mắc do chợ đầu mối, dân sinh, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động, thời điểm cao nhất là 34 chợ, 65 cửa hàng tiện lợi đóng cửa nên ảnh hưởng đến nguồn cung.
“Để phục vụ kịp thời nhu cầu mua hàng của người dân, Hà Nội đã điều phối xe chở hàng đến địa bàn có tâm dịch, đưa hàng vào hệ thống chợ, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó ban hành văn bản quyết định trưng tập 5 địa điểm tại ngoại thành để giãn cách các chợ đầu mối”, bà Phương Lan cho biết.
Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng, dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50% để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tại Hà Nội không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn bình thường.
Đến thời điểm này, Hà Nội đã cấp 2.200 xe ô tô, cấp mã trên 9.000 xe máy vận chuyển hàng hóa, cấp mã trên 14.000 shipper vận chuyển hàng. Ngoài ra, đã có 8.255 điểm bán bình ổn hàng hóa tăng 7 lần so với chương trình mọi năm. Sở Công Thương đang tiếp tục phối hợp mở các điểm bán hàng của các quận, huyện, thị xã bán hàng lưu động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thời gian tới, Sở Công Thương Hà nội tiếp tục phối hợp tại các quận, huyện thị xã triển khai bán hàng tại các nhà trọ đông dân cư, tránh người dân di chuyển nhiều; bán hàng bằng xe buýt lưu động.
Theo Báo Tin Tức