Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại các phố Bạch Mai, Thanh Nhàn, giá lương thực, thực phẩm nhìn chung ổn định. Chị Nguyễn Tuyết Nhung, số 7 ngõ 402 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Giá thịt lợn, bò và một số loại hoa quả nhích hơn so với ngày thường. Thịt lợn thăn giá 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước; giá thăn bò vẫn như cũ 25.000 đồng/kg; giá cam canh 60.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với trước”. Tuy nhiên, giá các loại rau củ quả không thay đổi so với trước. Hiện, giá khoai tây là 17.000 đồng/kg; rau muống 15.000 đồng/mớ.
Hoa tươi năm nay cũng có giá cả hợp lý hơn các năm trước. Hoa cúc giá 6.000 – 8.000 đồng/bông; cành đào nhỏ giá 40.000 – 60.000 đồng/cành; hoa ly 15.000 – 20.000 đồng một cành 3 tai, phật thủ giá 25.000 – 200.000 đồng, tùy loại quả…
Tại chợ Đại Từ, quận Hoàng Mai, giá thịt lợn, ba chỉ, sườn móng không tăng. Hiện giá gà là 120.000 đồng/kg; thịt bò 250.000 đồng/kg; bắp bò là 320.000 đồng/kg. Giá su hào là 5.000 đồng/củ; bắp cải 10.000 đồng/kg; súp lơ 10.000 đồng/kg; bí đỏ 13.000 đồng/kg; mùi 2.000 đồng/mớ; cải cúc 4.000 đồng/mớ; hành củ 20.000 đồng/kg.
Theo anh Hoàng Hùng, chợ Lò Lợn, phố Bạch Mai, giá mặt hàng giỏ chả không tăng. Hiện, lượng khách mua hàng tăng gấp đôi so với ngày thường, nhưng so với dịp Tết của những năm trước, hàng bán chậm. “Bình thường thời điểm dịp 23 Tết, chợ đông đúc người thì nay vắng vẻ. Trong mấy ngày qua, nhiều người dân tận dụng ngày cuối tuần đã làm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo”. Giá giò lụa 150.000 đồng/kg; chả 120.000 đồng/kg; xôi 15.000 đến 20.000 đồng/đĩa; giá bánh trưng là 30.000 đến 40.000 đồng/chiếc”, anh Hùng cho biết.
Tại một số chợ dân sinh ở chợ Thanh Xuân Bắc, giá gà sống dao động mức 120.000 – 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg so với những ngày trước đó. Giá thịt lợn từ 140.000 – 160.000 đồng/kg, tùy loại, thịt bò bán từ 210.000 – 280.000 đồng/kg, đều cao hơn bình thường khoảng 20.000 đồng một kg. Giá cá chép là 60.000 – 100.000 đồng một bộ 3 con, tăng nhẹ so với hôm trước Tết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Nguyễn Thị Ngọ, ngõ 97 Yên Ninh, Hàng Bún cho biết: “Giá các loại cam đều tăng 5.000 đồng/kg so với trước, theo đó giá cam canh là 80.000 đồng/kg; cam Sài Gòn là 50.000 đồng/kg. Riêng táo Envy, giá tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện táo Envy có giá từ 200.000 đồng/kg trở lên, loại bé là 170.000 đến 180.000 đồng/kg. Giá quả Thanh Long vẫn ổn định do không xuất được hàng sang Trung Quốc. Loại ngon được bán là 40.000 đồng/kg, mã vừa là 20.000 đến 25.000 đồng/kg”.
Theo chị Ngọ, lượng khách mua hàng tăng từ 30 đến 40% so với trước nhưng nhìn chung ảm đạm. Nếu như trước đây, nhiều người dân mua từ 5 đến 7 loại quả khác nhau để thắp hương tiễn ông Công, ông Táo thì nay họ chọn ít hơn. Mặt hàng cam báy chạy vì giá hợp lý.
“Đồ Bộ Táo quân, thần linh, cá chép tiền vàng năm nay phong phú nhưng giá tăng”, chị Hạnh, bán đồ vàng mã phố Bạch Mai chia sẻ. Theo đó, bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo dao động từ 50.000 – 150.000 đồng/bộ, tùy chất lượng và kích cỡ, tăng 10.000 đồng so với ngày thường. Theo chị Hạnh, những bộ to, đẹp lấp lánh giờ nhiều nhà không chuộng vì đốt lâu tàn, lại nhiều nilon nên giờ loại hàng 50.000 – 70.000 đồng là chạy nhất.
Ngày 23 tháng Chạp, ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: Long Biên, Diêm Gỗ, Gia Lâm, giá hải sản tăng mạnh từ 20 – 50% so với ngày thường. Theo đó, giá mực mai là 370.000 đồng/kg, cua là 550.000 đồng/kg; tôm là 400.000 đồng/kg, ngao hoa là 120.000 đồng/kg…
Nếu như tôm biển ngày thường có giá 250.000 đồng/kg nay tăng lên 400.000 đồng/kg. Chị Thu Hoa, bán tôm tại chợ Diêm Gỗ (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Từ 5 giờ sáng, tôi đã bán 10 kg tôm. Chỉ riêng một buổi sáng, tôi bán gấp 4 lần so với ngày thường. Giá tôm nhập cao nên giá bán ra cao”. Cau tươi là mặt hàng nhiều khách lựa chọn. Cau đẹp lên tới 15.000 đồng/quả, loại quả nhỏ giá 10.000 đồng”.
Theo một số chuyên gia thương mại, nguyên nhân khiến giá hàng năm nay không tăng mạnh đến từ hai phía cung và cầu. Ở phía cung, nhiều loại mặt hàng rau củ năm nay không xuất đi được Trung Quốc vì COVID-19 khiến nguồn hàng trong nước dồi dào. Điều này khiến giá cả hàng hoá được giữ ổn định. người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm khiến cho sức mua yếu nên hàng hoá khó tăng mạnh như trước.
Theo Báo Tin Tức