Theo Công ty cổ phần tập đoàn Mavin, giá lợn hơi tuần qua giảm sâu trên cả ba miền với mức giảm từ 2.000 – 4.000 đồng/kg so với ngày 1/7. Tại thị trường lợn hơi miền Bắc, giá thu mua dao động từ 60.000 – 62.000 đồng/kg. Tại miền Trung, giá lợn hơi từ 60.000 – 62.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm mạnh ở nhiều tỉnh, giao dịch từ 54.000 – 60.000 đồng/kg.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh đánh giá, giá lợn hơi xuống thấp trong khi giá con giống vẫn rất cao trên 2 triệu đồng/con, cùng với giá thức ăn tiếp tục tăng là khó khăn với các nông hộ chăn nuôi, thậm chí có hộ còn lỗ. Tuy nhiên, với các trang trại, doanh nghiệp khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, giết mổ thì việc thu lãi qua các công đoạn này giúp họ vẫn tồn tại tốt.
Giá lợn giảm là kết quả hồi phục đàn lợn và giảm từ nhu cầu tiêu dùng do dịch COVID-19 khiến nhiều nhà hàng, khách sạn tiêu thụ thấp. Với tình hình này, ông Tống Xuân Chinh cho rằng, giá lợn có thể giảm về mức 55.000 – 56.000 đồng/kg.
Ngoài ra còn có tác động của việc tự do thương mại. Chăn nuôi Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với các sản phẩm thịt nhập khẩu, nhất là gia cầm, đặc biệt là từ Mỹ, Brazil… với nền sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mạnh.
Về giá thức ăn liên tục tăng cao, ông Tống Xuân Chinh cho biết, Cục Chăn nuôi đã họp trực tuyến nhiều lần với hiệp hội, doanh nghiệp thức ăn trong nước và đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp dự báo nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, cám lúa mỳ, DDGS (bã rượu khô), đậu tương… vẫn còn tiếp tục tăng từ 5 – 6% trong 1 – 2 tháng tới.
Giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn, gà sẽ có khả năng tăng thêm 2 đợt với mỗi đợt từ 5.000 – 6.000 đồng/bao, sau đó mới ổn định. Khi đó giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thành sản xuất thức ăn hỗn hợp mới tiếp cận nhau. Vì các doanh nghiệp đang sản xuất thức ăn chăn nuôi đã mua nguyên liệu một thời gian trước đó. Với việc tăng giá các loại nguyên liệu thức ăn khoảng 35%, riêng DDGS tăng rất mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi còn đang tăng hạn chế, ông Tống Xuân Chinh phân tích.
Ông Tống Xuân Chinh nhận định, với xu hướng như vậy có thể dự báo chăn nuôi lợn nông hộ sẽ thu hẹp. Các nông hộ sẽ phải chuyển đổi sang chăn nuôi những con được ngành nông nghiệp khuyến cáo như gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản, thỏ, dê… đặc biệt là chuyển đổi mạnh cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn trong chăn nuôi như ngô sinh khối.
Khi chăn nuôi công nghiệp phát triển thì nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất nên bà con cần có sự chuyển đổi phù hợp sang các loại vật nuôi khác. Ngành sẽ chỉ đạo để có dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt các loại chính xác hơn để bà con có thể có định hướng sản xuất phù hợp với thực tế.
Về nhập khẩu thịt lợn, theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 63,5 nghìn tấn, trị giá 146,41 triệu USD, tăng 142,2% về lượng và tăng 130,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 27,41 nghìn tấn, trị giá 74,96 triệu USD, tăng tới 608,6% về lượng và tăng 544,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Báo Tin Tức