BNEWS Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lợn hơi đang tăng từng ngày và dao động phổ biến từ 35.000-45.000 đồng/kg, tùy vùng.
Hôm nay (25/10), giá lợn hơi của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bán ra 46.000 đồng/kg, có địa phương giá lợn đã lên từ 46.000-49.000 đồng/kg.
Khảo sát của Công ty cổ phần Anova Feed cho thấy, tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng lên và đạt 46.000 đồng/kg.
Đáng chú ý nhất tại tỉnh Hưng Yên, giá lợn hơi đạt mức 51.000 đồng/kg. Tại miền Trung-Tây Nguyên, giá lợn hơi trung bình cũng tăng lên đến 44.900 đồng/kg.
Trên toàn miền, các tỉnh đều ghi nhận giá lợn tăng đến 7.000 đồng/kg sau 2 ngày cuối tuần. Còn tại miền Nam, một số tỉnh giá lợn hơi tăng lên đến 46.000 đồng/kg. Còn lại đồng loạt giá lợn đạt mức 45.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng vừa qua, do nhu cầu giảm, lợn thịt quá lớn quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30%, với khoảng 1,5 triệu con có khối lượng từ 120-160 kg/con nên có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Bình thường lợn thịt xuất chuồng từ 100-120 kg/con nhưng khi nhu cầu thị trường tăng có thể xuất chuồng từ 70-100 kg/con, khi thị trường giảm thì phải nuôi thêm thời gian. Nhưng, nếu nuôi giai đoạn trên 120 kg thì tăng trọng chủ yếu là mỡ nên khối lượng lợn càng lớn thì giá lợn hơi xuất chuồng càng thấp.
Bên cạnh đó, chu kỳ sản xuất của lợn từ khi nuôi sau cai sữa đến sinh sản, nuôi lợn thịt đến xuất chuồng từ 17-18 tháng; riêng lợn thịt nuôi từ 5-6 tháng xuất chuồng. Như vậy, kế hoạch sản xuất phải có từ năm 2020 trở về trước. Khi nhu cầu có thay đổi bất thường thì sản xuất không thể thay đổi kịp trong thời gian ngắn.
Đến cuối tháng 9, tổng đàn lợn cả nước có 28 triệu con, tăng 5%. Những tỉnh có đàn lợn lớn như: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt 2,9 triệu tấn và 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển với tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con, chiếm từ 23-24% tổng đàn lợn lợn thịt của cả nước.
Về nhập khẩu thịt, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho hay, trong 8 tháng năm 2021, cả nước nhập khẩu 214.400 tấn thịt các loại; trong đó, có 12.700 tấn thịt lợn, chiếm 52,6% tổng lượng thịt nhập khẩu, chiếm 3,6% tổng số lượng thịt lợn sản xuất trong nước.
“Như vậy, thông tin từ một số hiệp hội cho rằng 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 681.700 nghìn tấn thịt các loại; trong đó, có hơn 256,8 nghìn tấn thịt lợn nhập khẩu là không chính xác”, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Long cho rằng, thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm 3,6% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước sẽ không thể ảnh hưởng đến việc giá thịt lợn giảm mạnh, giảm sâu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không cấp hạn ngạch (quota) nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật và toàn bộ theo cơ chế thị trường, bảo đảm tuân thủ quy định của Việt Nam, thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE)./.
Theo BNews/