BNEWS Giá dầu dự kiến sẽ giữ ở mức gần 80 USD/thùng khi kết thúc năm nay, do nguồn cung thắt chặt và chi phí khí đốt cao hơn khuyến khích việc chuyển sang sử dụng dầu thô để làm nhiên liệu phát điện.
Giá dầu thế giới đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch ngày 5/11, trước những lo ngại về nguồn cung sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, đã từ chối lời kêu gọi gia tăng sản lượng hơn nữa từ Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu vẫn ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp.
Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2021 tăng 2,46 USD, hay 3,1%, lên 81,27 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm gần 2,8%, đánh dấu tuần giảm giá thứ hai liên tiếp sau chuỗi chín tuần tăng giá.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Một tăng 2,2 USD, hay 2,7%, lên 82,74 USD/ounce, khép lại tuần vừa qua với mức giảm 1,2%.
Sau cuộc họp chính sách ngày 4/11, OPEC+ đã nhất trí sẽ tiếp tục tuân theo thỏa thuận hiện tại về việc tăng dần sản lượng dầu, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ về việc bơm thêm dầu ra thị trường nhằm “hạ nhiệt” giá dầu. Cụ thể, OPEC+ quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày theo thỏa thuận đạt được trước đó ba tháng.
Ông Bob Yawger, giám đống phụ trách giao dịch năng lượng kỳ hạn của ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho rằng quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng của OPEC+ và việc thiếu phản ứng đáng kể từ chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp sức cho đà tăng của giá dầu.
Nhà Trắng cho biết sẽ cân nhắc mọi công cụ để đảm bảo bình ổn giá năng lượng, trong đó có cả khả năng cung cấp dầu từ kho dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, ông Bjornar Tonhaugen, người phụ trách các thị trường dầu của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho rằng thị trường biết rằng việc “mở” kho dự trữ chiến lược chỉ có thể có tác động kiềm chế giá dầu tạm thời, chứ không phải là một giải pháp lâu dài cho tình trạng mất cân bằng cung cầu.
Ngoài ra, tâm lý thị trường phiên này cũng phấn chấn hơn trước số liệu cho thấy kinh tế Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự đoán trong tháng Mười.
Trước đó, trong phiên đầu tuần, giá dầu thế giới đi lên nhờ kỳ vọng về nhu cầu mạnh mẽ và niềm tin rằng OPEC+ sẽ không tăng sản lượng quá nhanh. Niềm tin đó đã giúp đảo ngược đà giảm vào đầu phiên, sau thông báo chính thức của Trung Quốc rằng họ đã bán bớt một phần kho dự trữ xăng và dầu diesel để tăng nguồn cung thị trường và hỗ trợ ổn định giá ở một số khu vực.
Trong phiên 2/11, giá dầu thế giới vẫn giao dịch dưới ngưỡng 85 USD/thùng trước khi Mỹ công bố báo cáo nguồn cung hàng tuần, trong đó dự kiến cho thấy lượng dầu thô dự trữ trong các kho tăng trong bối cảnh các nhà giao dịch cũng chờ đợi cuộc họp của OPEC+.
Sau đó, giá dầu liên tiếp giảm xuống sau hai phiên 3-4/11, trước những thông tin cho thấy nguồn cung gia tăng. Báo cáo mới nhất công bố cùng ngày cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng hơn 3,3 triệu thùng trong tuần qua, nhiều hơn dự kiến.
Một yếu tố khác tác động lên thị trường trong phiên này là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ sẽ bắt đầu giảm bớt chương trình mua tài sản trong tháng 11. Giới giao dịch cho hay dù không nằm ngoài dự kiến, động thái đó có thể làm suy yếu một số hoạt động đầu cơ các tài sản rủi ro, bao gồm dầu.
Bên cạnh đó, kênh truyền hình Al Arabiya TV cho biết sản lượng của Saudi Arabia sẽ sớm vượt 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Báo cáo trên được đưa ra sau khi quốc gia này, cùng với OPEC+, đã nhất trí tuân thủ mức tăng sản lượng đã được thống nhất trước đó.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy giá dầu dự kiến sẽ giữ ở mức gần 80 USD/thùng khi kết thúc năm nay, do nguồn cung thắt chặt và chi phí khí đốt cao hơn khuyến khích việc chuyển sang sử dụng dầu thô để làm nhiên liệu phát điện./.
Theo BNews/