Thị trường gạo châu Á:
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 355 – 360 USD/tấn, tăng so với mức 351 – 356 USD/tấn trong tuần trước.
Nitin Gupta, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ cho biết nguồn cung gạo hiện đang hạn chế do quá trình xay xát bị đình trệ. Nhu cầu cũng yếu do người mua chuẩn bị đón lễ Giáng sinh và Năm mới.
Gupta cho biết thêm các nhà xuất khẩu đang tập trung hoàn tất các hợp đồng cũ thay vì ký kết các hợp đồng mới.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 385-396 USD/tấn trong phiên 23/12, không đổi so với tuần trước đó.
Các thương nhân cho biết nhu cầu vẫn không thay đổi do thị trường không có hoạt động trong kỳ nghỉ lễ, đồng thời cho biết hiện tại không có vấn đề về nguồn cung. Một nhà kinh doanh gạo tại Bangkok cho biết có rất ít hoạt động ở cả thị trường trong và ngoài nước trong giai đoạn cuối năm này.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 395-405 USD/tấn trong phiên 23/12 so với mức 400-410 USD/tấn trong tuần trước đó. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động giao dịch chậm lại là do kỳ nghỉ lễ.
Theo Bộ Nông nghiệp, các hộ nông dân dự kiến sẽ gieo trồng vụ Đông-Xuân trên diện tích 1,52 triệu ha. Cho đến nay, họ đã gieo mạ trên khoảng 600.000 ha.
Thị trường nông sản Mỹ:
Trong phiên giao dịch ngày 23/12, giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đều đi lên, dẫn đầu là mặt hàng ngô.
Chốt phiên này, tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) CBOT, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 3,25 xu Mỹ (0,54%) lên 6,0575 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 3/2022 tăng 0,75 xu Mỹ (0,09%) lên 8,1475 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 3/2022 tăng 5,75 xu Mỹ (0,43%) lên 13,4075 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng các thị trường ngày càng không thể phớt lờ dự báo thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ, bởi nhiều khả năng tình hình sẽ không thay đổi trong suốt cuối tuần dài, dẫn đến sản lượng ngô và đậu tương của Nam Mỹ sẽ bị giảm nhanh hơn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng doanh số bán ngô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/12 đạt tổng cộng 39 triệu bushel so với mức 77 triệu bushel trong tuần trước. Tổng doanh số bán lúa mỳ đạt 15 triệu bushel, so với 24 triệu bushel trong tuần trước; còn doanh số bán đậu tương ở mức 30 triệu bushel, so với 48 triệu bushel.
Trung Quốc đã thêm 16 triệu bushel lúa miến của Mỹ, nâng tổng doanh số bán lúa miến của Mỹ sang Trung Quốc lên 151 triệu bushel. Tính đến ngày 16/12, Canada (Ca-na-đa) đã mua một lượng kỷ lục 110 triệu bushel ngô của Mỹ.
AgResource lưu ý rằng lượng ngô Canada mua từ Mỹ hiện đã chiếm 93% dự báo nhập khẩu của Canada mà USDA đưa ra. Tổng đậu tương xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn 2021-2022 hiện đạt 76% dự báo của USDA.
Iraq đã đấu thầu 50.000 tấn lúa mỳ có xuất xứ từ Mỹ và/hoặc Canada. AgResource cho biết Iraq đã mua khoảng 300.000 đến 500.000 tấn.
Thị trường cà phê thế giới:
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/12, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng phiên thứ ba liên tiếp. Giá cà phê Robusta giao tháng 3/2022 tăng thêm 14 USD lên 2.353 USD/tấn, còn giao tháng 5/2022 tăng thêm 7 USD lên 2.301 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 2,35 xu Mỹ xuống 231,20 xu Mỹ/lb, còn giá giao tháng 5/2022 giảm 2,30 xu Mỹ xuống 231,10 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao dộng trong khung 42.300 – 42.800 đồng/kg.
Giá cà phê Arabica đảo chiều giảm do hoạt động đầu cơ chốt lời ngắn hạn để phòng tránh rủi ro trước kỳ nghỉ lễ cuối tuần dài và nông dân Brazil đẩy mạnh xuất khẩu giữa bối cảnh tỷ giá đồng nội tệ real đang ở mức có lợi. Trái lại, giá cà phê Robusta vẫn duy trì đà tăng ngay trước ngày thông báo đầu tiên (FND).
Ngày 24/12, các thị trường cà phê kỳ hạn nghỉ lễ Giáng Sinh, không giao dịch.
Theo Báo Tin Tức