BNEWS Ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng từ 80 – 90 triệu đồng/năm, hiệu quả hơn nhiều so với cây trồng khác.
Sáng 16/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Viện Nghiên cứu Ngô tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ Đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc”.
Diễn đàn nhằm tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả và truyền thông nâng cao nhận thức cho người nông dân về sản xuất ngô sinh khối. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ Đông phục vụ chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc. Từ đó, góp phần hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất ngô sinh khối bền vững, đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diện tích sản xuất lúa Mùa của khu vực phía Bắc với gần 1 triệu ha. Nhưng cây vụ Đông dự kiến sản xuất khoảng 410.000 ha. Như vậy, còn khoảng 50% diện tích chưa được sử dụng. Đây là dư địa lớn và nếu có giải pháp tốt thì hoàn toàn có thể tận dụng dư địa này để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc ở nước ta phát triển mạnh, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao được xác định là một trong những sản phẩm chăn nuôi lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi.
Tính đến tháng 1/2021, cả nước có khoảng 2,3 triệu con trâu, 5,9 triệu con bò thịt và 332.000 bò sữa. Lượng thức ăn thô xanh để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc ở nước ta là rất lớn, đặc biệt vào mùa khô hạn ở miền Trung và mùa Đông giá rét ở miền Bắc.
Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên chiếm 10% tổng cơ cấu thịt xẻ, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000 ha ngô sinh khối và trồng liên tục cả 3 vụ/năm mới đủ đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh. Một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững đó là chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối.
Theo thống kê sơ bộ, năm 2020, các doanh nghiệp đã tiêu thụ gần 400 ngàn tấn ngô sinh khối, đạt 100% sản lượng do nông dân sản xuất. Ước tính mỗi ha ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng từ 80 – 90 triệu đồng/năm, hiệu quả hơn nhiều so với cây trồng khác.
Đánh giá về trồng ngô sinh khối, ông Nguyễn Danh Hưng, xã Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội cho biết, ngô sinh khối trồng trên địa phương chủ yếu phục vụ chăn nuôi bò sữa và có thời điểm không đủ ngô sinh khối, sản lượng sữa của bò sữa đã giảm. Hiện nay, nông dân trồng ngô sinh khối không có thời vụ, khi thu hoạch xong nông dân lại làm đất gieo trồng tiếp. Sản lượng ngô sinh khối tại địa phương sản xuất ra chỉ đủ sử dụng tại địa phương mà chưa có dư thừa để bán cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Danh Hưng, cần có giống ngô sinh khối không phụ thuộc yếu tố thời vụ để sản xuất quanh năm. Trồng ngô sinh khối hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng cỏ voi, nhưng cỏ voi thì nông dân chỉ cần trồng 1 lần và có thể thu hoạch trong 2-3 năm. Bên cạnh cỏ voi cần duy trì để đảm bảo nguồn thức ăn và nông dân địa phương mong muốn, tiếp tục được hỗ trợ các chính sách của Nhà nước để phát triển trồng ngô sinh khối.
Đại diện Công ty Greenlife Việt Nam cho rằng, nếu chỉ phát triển cây vụ Đông với cây ngô sinh khối thì lợi nhuận chưa cao, chưa khuyến khích được nông dân nếu chỉ với các chính sách hỗ trợ giống, phân bón. Để phát triển cây vụ Đông với cây ngô sinh khối cần có chính sách tập trung đất đai cho người có nhu cầu sản xuất. Nếu hộ dân không có nhu cầu sử dụng thì có chính sách, quyền tập trung đất cho người khác sử dụng.
Công ty hiện đang xuất khẩu sản phẩm ngô sinh khối ép viên, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu bởi việc quy hoạch vùng sản xuất. Nếu các địa phương phát triển cây ngô sinh khối, công ty muốn liên kết để ký hợp đồng thu mua, chế biến, xuất khẩu, đại diện Công ty Greenlife Việt Nam cho biết.
Về phát triển ngô sinh khối, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho phát triển ngô sinh khối, các chính sách hỗ trợ nằm chung trong các chính sách phát triển trồng trọt.
Định hướng phát triển giống ngô sinh khối được phát triển từ ngô lấy hạt, nhưng với nhu cầu và xu hướng phát triển sản phẩm này, Cục Trồng trọt sẽ xây dựng các tiêu chí về giống ngô sinh khối. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các đề tài nghiên cứu giao cho các viện nghiên cứu các giống ngô sinh khối.
Theo Viện Nghiên cứu Ngô, trong những năm gần đây, với nhu cầu cấp thiết từ sản xuất về các giống ngô lấy sinh khối sử dụng làm thức ăn xanh cho gia súc. Viện Nghiên cứu Ngô đã đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo các giống ngô này. Viện đã đưa ra được một số giống ngô làm sinh khối có triển vọng như VN172, ĐH 17-5 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử.
Hai giống ngô sinh khối trên đã được trồng mô hình ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Kết quả, hai giống này có năng suất sinh khối cao và chất lượng làm thức ăn xanh cho chăn nuôi, phục vụ nhu cầu sản xuất ở các tỉnh miền Bắc.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm đã triển khai nhiều nội dung nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ngô sinh khối như: tổ chức hội nghị cùng với các địa phương và các doanh nghiệp bàn giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối; in và phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất ngô sinh khối.
Đồng thời, tổ chức diễn đàn, tọa đàm giải đáp những vướng mắc, giúp nông dân phát triển sản xuất ngô sinh khối. Trung tâm cũng hướng dẫn hệ thống khuyến nông địa phương liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm./.
Theo BNews/