Trang chủ » EVN lên phương án vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phòng chống thiên tai

EVN lên phương án vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phòng chống thiên tai

bởi unexpress

BNEWS Lãnh đạo EVN đã lưu ý các tổng công ty, công ty điện lực phải chuẩn bị kỹ việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục kịp thời thiệt hại xảy ra.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn trong sửa chữa, vận hành các nhà máy điện…, đặc biệt khi mùa mưa bão sắp đến. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Ngô Sơn Hải đã lưu ý các tổng công ty, công ty điện lực phải chuẩn bị kỹ việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục kịp thời thiệt hại.
*Nhiều thách thức
Theo báo cáo của Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 Nguyễn Tiến Chương, để hoàn thành tốt mục tiêu kép, một số đơn vị trong Tổng công ty đóng tại địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao đã thực hiện cách ly tập trung người lao động tại khu vực sản xuất, cư xá. Các đơn vị cũng đã và đang xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai trên cơ sở phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để triển khai thực hiện.
Hiện Tổng công ty Phát điện 1 đang gặp một số khó khăn về điều hành, quản trị, mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sửa chữa bảo dưỡng, cung ứng than nhập khẩu. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng đã làm cho phụ tải giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới sản lượng điện phát của Tổng công ty. Việc thực hiện quản lý tập trung số lượng nhân lực lớn khi tiến hành sửa chữa lớn, vận hành tại các nhà máy gây ra nhiều khó khăn cho phòng chống dịch.
Trong khi đó, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, các hình thái thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường và xuất hiện nhiều hình thái mới như: mưa lũ kéo dài, nhiều cơn gió lốc, xoáy với cường độ lớn gây tốc mái nhà xưởng, gãy đổ cột, biển quảng cáo, xuất hiện mưa đá và cả băng tuyết, gây ảnh hưởng đến các công trình điện. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể xảy ra tình trạng thiếu vật tư, lương thực, thuốc men khi mưa bão, lũ xảy ra gây khó khăn cho việc chuyên chở.
Việc kiểm tra đường dây truyền tải, các vị trí cột trước, trong và sau bão lũ cũng gặp khó khăn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển. Nhiều vị trí cột nằm trong khu vực bị phong tỏa, giãn cách triệt để, khu vực có bệnh nhân nhiễm COVID (F0), đơn vị điện lực không vào kiểm tra được sẽ không phát hiện kịp thời nguy cơ sự cố.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung cho rằng, mặc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tuy nhiên việc thi công trên công trường tại các vị trí khắc phục sạt lở đường dây, cột gặp khó khăn do việc di chuyển các máy móc thiết bị, vật tư, nhân lực phải đi qua các địa phương giãn cách nên tiến độ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp xảy ra thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai cần huy động nhiều đơn vị tham gia sẽ khó khăn do hạn chế di chuyển bởi thực hiện giãn các xã hội.
Chính vì vậy,  ông Nguyễn Thành kiến nghị chính quyền địa phương phối hợp, hỗ trợ đơn vị quản lý vận hành lưới điện trong tuyên truyền cũng như giải phóng, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn lưới điện… Ngoài ra, khối công an, quân đội, các đơn vị bạn có sự phối hợp giúp đỡ về phương tiện, vật tư, nhân lực trong di chuyển và kiểm tra, phòng chống, khắc phục thiên tai. Chính quyền các địa phương cấp giấy phép cho nhân lực quản lý vận hành di chuyển trong khu vực bị giãn cách để phục vụ theo dõi, xử lý sự cố, kiểm tra tuyến để đảm bảo an toàn vận hành cung cấp điện song vẫn phải thực hiện nghiêm các quy tắc phòng chống dịch.
*Tập trung phương châm “4 tại chỗ”
Theo nhận định của Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, theo dự báo, năm nay có 4-5 cơn bão tác động đến nước ta. Việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm nay sẽ khác biệt do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hiện nay, các tổng công ty, công ty đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn. Một số hạng mục của một số đơn vị chưa hoàn thành như kiểm tra hiện trường, diễn tập phòng chống thiên tai… cần hoàn thiện trong thời gian tới và có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải lưu ý các đơn vị cần theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch bệnh COVID-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho cấp dưới chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn.
Các tổng công ty, công ty điện lực cũng lập danh sách các nguồn lực phải huy động, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai để ứng phó trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp; bổ sung kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19 và có trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Các đơn vị cũng rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là trong trường hợp đang thực hiện yêu cầu cách ly tập trung.
Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ký kết quy chế, thỏa thuận hoặc biên bản phối hợp giữa các Tổng công ty, giữa các đơn vị đóng trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và vẫn đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Cùng đó, các đơn vị tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó thiên tai.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị phải chuẩn bị kỹ phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục kịp thời thiệt hại nếu bị ảnh hưởng mưa bão.
“Trong thời gian dịch bệnh, việc vận chuyển vật tư thiết bị, hỗ trợ nhân lực, việc di chuyển để chỉ huy giữa các địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc chuẩn bị kỹ nhân lực, vật tư sẽ giúp khắc phục nhanh và hiệu quả hơn”, Phó Tổng giám đốc EVNNgô Sơn Hải nhấn mạnh./. Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm