BNEWS Các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí rằng cần giải quyết vấn đề nợ công cao do tác động của đại dịch COVID-19, song phải tránh việc gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí rằng xu hướng tăng giá tiêu dùng hiện nay sẽ giảm dần trong năm 2022 và cần giải quyết vấn đề nợ công cao do tác động của đại dịch COVID-19, song phải tránh việc gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát tại 19 nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 10 vừa qua đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 – mức cao kỷ lục trong 13 năm qua. Nguyên nhân khiến lạm phát tháng 10 tăng mạnh là do giá năng lượng tăng 23,5% khi kinh tế phục hồi nhanh chóng kéo theo nhu cầu nhảy vọt.
Các Bộ trưởng EU bắt đầu lo ngại rằng xu hướng này sẽ khiến tiền lương tăng mạnh hơn, kéo theo vòng xoáy lạm phát.
Phát biểu tại họp báo sau phiên thảo luận của các Bộ trưởng, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Paschal Donohoe nhận định giá cả tăng cao là do chịu ảnh hưởng của những yếu tố mang tính tạm thời, song xu hướng này có nguy cơ kéo dài hơn dự báo do đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau những tác động của đại dịch COVID-19.
Ông Donohue kỳ vọng xu hướng này sẽ thay đổi hoặc giảm đi trong năm 2022 và thời điểm bước vào năm 2023.
Cũng tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã thảo luận về cải cách các quy định ngân sách của EU, vốn buộc các chính phủ phải duy trì thâm hụt ngân sách dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ dưới 60% GDP, nhằm thích ứng với các điều kiện kinh tế hậu đại dịch như tình trạng nợ công cao, cần có khoản đầu tư lớn để chống biến đổi khí hậu.
Giờ đây, việc cắt giảm nợ công theo các quy định này đã trở thành mục tiêu quá tham vọng đối với phần lớn các nước EU, trong khi lại hầu như không hỗ trợ được cho khoản đầu tư của chính phủ.
Uỷ viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế, ông Paolo Gentiloni khẳng định các nước cần nghiêm túc tìm cách kiềm chế mức nợ công cao, đặc biệt không nên gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Gentiloni, mặc dù các nước EU chưa đạt được sự đồng thuận trong hành động, nhưng đều có nhận thức chung rằng mức nợ công cao là một vấn đề cần giải quyết.
Các chính phủ EU hiện vẫn đang chia rẽ về quy mô điều chỉnh, theo đó so với các nước phía Bắc, các nước phía Nam EU quan tâm hơn đến việc nới lỏng quy định giảm nợ và trao quy chế đặc biệt cho đầu tư như miễn đưa danh mục này vào việc tính thâm hụt.
Ông Gentiloni cho rằng các nước EU cần nỗ lực hơn nữa để tìm ra tiếng nói chung cho những đề xuất sẽ được đưa ra vào quý I/2022./.
Theo BNews/