BNEWS Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ khép lại chương trình kích thích kéo dài nhiều năm qua vào ngày 9/6 và phát đi tín hiệu về một chuỗi nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao kỷ lục 8,1% và vẫn đang gia tăng, ECB đã ra tín hiệu về một loạt các biện pháp với hy vọng ngăn chặn đà tăng giá nhanh không trở thành một “cơn lốc” tiền lương – giá cả khó phá vỡ.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết chi tiết các biện pháp này, vì vẫn rất khó để dự đoán lạm phát. Vì thế ECB sẽ chỉ phát đi tín hiệu về các bước đi ban đầu trong cuộc họp ngày 9/6 và và vẫn giữ tâm lý thận trọng.
Điều có vẻ chắc chắn là ECB sẽ kết thúc Chương trình mua tài sản được thực hiện lâu nay vào cuối tháng này, cam kết một đợt nâng lãi suất vào ngày 21/7 và ra tín hiệu lãi suất sẽ ra khỏi vùng âm trong quý III.
Trong khi đó, triển vọng về đợt tăng lãi suất lần đầu có thể sẽ được bỏ ngỏ, khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn nhấn mạnh tính linh hoạt.
Dù ECB đã bày tỏ ý muốn nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, nhưng sự gia tăng mạnh của giá cả có thể thay đổi ý định này chỉ trong vài tuần. Nhiều nhà hoạch định chính sách cho biết một mức tăng mạnh hơn vẫn đang được cân nhắc. Thị trường đang đặt cược về khả năng lãi suất tăng 135 điểm cơ bản trong cả năm nay.
Dù chu kỳ thắt chặt chính sách được khởi động bây giờ, nhưng điểm kết thúc của nó vẫn chưa chắc chăn. Bà Lagarde cho biết lãi suất cần tiến đến mức trung hòa mà ở đó ECB không kích thích cũng không kìm hãm tăng trưởng. Nhưng mức này vẫn chưa được xác định, mở ra nhiều dự đoán từ giới chuyên gia.
Chuyên gia kinh tế Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg cho rằng mức lãi suất trung hòa là khoảng 2%. Ông dự đoán lãi suất tái cấp vốn của ECB, hiện đang ở mức 0%, sẽ tăng lên 2% vào giữa năm 2024 sau ba đợt nâng lãi suất, mỗi đợt 25 điểm cơ bản, trong nửa cuối năm nay, ba đợt như thế nữa trong năm 2023 và hai đợt trong nửa đầu năm 2024.
Theo dự báo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) trong tháng Năm sẽ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu, chủ yếu do giá năng lượng tăng (39,2%); thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 7,5%, hàng chế tạo răng 4,2%, dịch vụ tăng 3,5%./.
Theo BNews/