Trang chủ » Đức bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Nhóm G7

Đức bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Nhóm G7

bởi unexpress

BNEWS Ngày 1/1, Đức bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) 2022.

Vai trò dẫn dắt và tầm ảnh hưởng của Berlin ở thời điểm hiện tại được xem là đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19 cùng hàng loạt vấn đề cấp bách, mà còn bởi Đức vừa trải qua một giai đoạn chuyển giao quyền lực, với một liên minh cầm quyền ba bên chưa từng có ở cấp độ liên bang do Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) dẫn đầu.

Đây cũng là phép thử đối ngoại của đầu tiên của chính quyền mới tại Đức trong giai đoạn hậu nhà lãnh đạo Angela Merkel.

Đảm nhận vai trò “đầu tàu” G7 tại thời điểm các nước thành viên đang nỗ lực vì mục tiêu chung, đánh dấu sự trở lại của các mối quan hệ đối tác truyền thống, có thể nói nước Đức đang có nhiều lợi thế và cơ hội để khẳng định tầm ảnh hưởng của nhóm 7 quốc gia giàu nhất thế giới.

Dưới sự dẫn dắt của Anh, năm 2021, G7 đã phần nào thể hiện sự đoàn kết, thống nhất khi thúc đẩy được mạnh mẽ hơn chủ nghĩa đa phương cũng như việc các nước sẵn sàng hợp tác về các vấn đề quốc tế như thương mại, biến đổi khí hậu, đặc biệt là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với thắng lợi lớn nhất là đóng góp 657 triệu liều vaccine cho thế giới cùng cam kết hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng vaccine thông suốt cũng như phân phối công bằng, minh bạch, đúng hạn các loại vaccine và nhiều sản phẩm y tế khác.

Với mục tiêu tạo nên sự thay đổi, năm 2021, G7 đã phần nào cho thấy tổ chức này không hoàn toàn là một “câu lạc bộ của các cường quốc phương Tây” khép kín, lạc lõng và không có liên hệ với các trung tâm quyền lực khác trên thế giới. Những gì mà G7 làm được dưới sự dẫn dắt của nước Anh đã cho thấy sự gắn kết, đồng thuận giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây bước đầu đã được khôi phục.

Điểm nhấn đặc sắc của G7 chính là sự trở lại của Mỹ cũng như nỗ lực đưa nước Mỹ trở lại của tân Tổng thống Joe Biden. Không chỉ nhen nhóm tinh thần đối thoại, hợp tác sau giai đoạn ảm đạm do đại dịch COVID-19 và các chính sách đơn phương, những “bước thay đổi” trên đã cho thấy các nước đều đang hướng tới sự đồng thuận trong việc giải quyết các thách thức địa – chính trị và an ninh phi truyền thống đang nổi lên.

Với những lợi thế có được này, tại sự kiện cuối cùng của G7 do nước chủ tịch Anh tổ chức năm 2021, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã khẳng định: “Bạn sẽ không bao giờ phải đi một mình nếu cùng nhau hợp tác mạnh mẽ”. Đây cũng được xem là nguyên tắc chỉ đạo trong nhiệm kỳ chủ tịch G7 của Đức vì sự bền vững trong tương lai.

Chính phủ Đức dự kiến sẽ đưa ra các ưu tiên chính thức của G7 trong tháng 1/2022, nhưng theo bà Baerbock, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và vấn đề khí thải toàn cầu sẽ là trọng tâm của Đức trong nhiệm kỳ chủ tịch. Hội nghị thượng đỉnh G7 mà Đức công bố sẽ tổ chức từ ngày 26-28/6/2022 tại Schloss Elmau, bang Bayern, sẽ trở thành một bước đệm quan trọng trong chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu năm 2022.

Liên minh của Thủ tướng Scholz đã tuyên bố coi giai đoạn trung hòa khí thải toàn cầu là thách thức cần được giải quyết cùng với các đối tác châu Âu và quốc tế. 

Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và phát triển Đức, bà Svenja Schulze cho biết: “Với tư cách là những quốc gia giàu nhất thế giới, G7 có trách nhiệm đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Để làm được như vậy, G7 không chỉ kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, mà phải chia sẻ với các nước nghèo nhất”.

Giới chuyên gia nhận định Chính phủ Đức, với vai trò nước chủ tịch G7, cũng nên thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của hoạt động mua bán khí thải ở cấp độ châu Âu, trong đó nỗ lực của Đức đóng vai trò quyết định. Theo phân tích, nếu không có hoạt động buôn bán khí thải hiệu quả ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), rất khó để châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

Ngoài vấn đề khí hậu, tăng cường hợp tác với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong nhiều lĩnh vực, cam kết tiếp tục đóng góp cho chương trình tiêm chủng của thế giới năm 2022 nhằm chấm dứt giai đoạn cấp tính của dịch COVID-19, cùng các hồ sơ nóng như vấn đề hạt nhân Iran, quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine … cũng sẽ là những chủ đề được quan tâm tại các hội nghị G7 do Đức làm chủ tịch trong năm 2022.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn, xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản. Một năm dẫn dắt G7 sẽ là cơ hội để chính quyền của Thủ tướng Scholz khẳng định bản lĩnh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tại diễn đàn các cường quốc hàng đầu thế giới./
             

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm