Theo trang thống kê Worldometers.info, trong ngày 13/1, Mỹ ghi nhận trên 800.000 ca mắc mới, cao nhất thế giới. Anh có trên 109.000 ca mắc mới, còn Ấn Độ ghi nhận trên 264.000 ca mắc mới.
Theo tờ Qz, dù số ca mắc tăng cao nhưng nhờ có vaccine COVID-19 và khả năng điều trị tốt hơn mà làn sóng Omicron dường như bớt nguy hiểm hơn các đợt dịch trước đó.
Biến thể này không gây nhiều ca bệnh nghiêm trọng như các biển thể trước đó. Dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo không nên coi những ca mắc Omicron là ca bệnh nhẹ.
Một đặc điểm khác biệt của Omicron là đạt đỉnh dịch nhanh hơn so với các chủng trước đó.
Nam Phi
Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã vừa trải qua vừa nghiên cứu tác động của làn sóng Omicron.
Gauteng, tâm dịch ban đầu ở Nam Phi, đã chứng kiến giai đoạn số ca mắc COVID-19 tăng đột ngột nhưng cũng giảm xuống nhanh tương tự.
Nói chung, các đợt bùng dịch COVID-19 từ trước tới nay diễn ra trong khoảng 6 đến 8 tuần, đạt đỉnh sau 4 tuần. Tuy nhiên, làn sóng Omicron ở Gauteng đạt đỉnh sau khoảng 15 ngày. Tỷ lệ dương tính trong tổng ca xét nghiệm đạt đỉnh vào khoảng ngày thứ 30 và giảm mạnh kể từ đó.
Xu hướng tích cực nhất là trong thời kỳ đỉnh dịch, số ca nhập viện chỉ chiếm khoảng 2/3 so với thời kỳ bùng phát chủng Delta. Chỉ khoảng 1/3 số người nhập viện ở Nam Phi gặp các triệu chứng hô hấp cấp tính.
Anh và Mỹ
Cả hai quốc gia đang trải qua một đợt sóng dịch Omicron mạnh, có khả năng còn trầm trọng hơn vào mùa đông. Hai quốc gia này có đặc điểm nhân khẩu học và tiêm chủng tương tự nhau. Có nghĩa là dữ liệu từ Anh có thể dự báo những gì sẽ diễn ra ở Mỹ.
Ông Jeffrey Shaman, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học tại Columbia, viết trên tờ The New York Times: Ở Mỹ, không có gì đảm bảo số ca mắc sẽ sụt giảm nhanh chóng. Nam Phi có dân số trẻ hơn so với Mỹ và những người trẻ hơn có nhiều khả năng chỉ mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Nam Phi cũng đang ở thời gian mùa hè, ít thuận lợi hơn cho virus lây lan.
Mô hình của ông Shaman dự báo Mỹ sẽ có từ 3 đến 4 triệu ca nhiễm mới trong một tuần, cao nhất là vào khoảng tuần thứ ba của tháng 1.
Mặc dù chưa thể chắc chắc về dự báo trên nhưng ít nhất có thể so sánh London và New York – hai thành phố đông dân cư có quy mô tương tự và giống nhau về đặc điểm đi lại của người dân.
Số ca mắc Omicron ở London dường như đã đạt đỉnh vào tuần đầu tiên của tháng 1. New York cũng sẽ có biểu đồ dịch bệnh tương tự.
Trong khi đó, dự báo của Đại học Washington cho rằng số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại Mỹ sẽ đạt đỉnh 1,2 triệu trường hợp vào ngày 19/1 sau đó giảm mạnh. Trong khi đó, tại Anh, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm xuống còn 140.000 trường hợp/ngày vào tuần đầu tháng 1 sau khi tăng vọt lên mức 200.000 ca/ngày một tháng trước đó.
Ấn Độ
Ấn Độ đang ghi nhận trên 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, khoảng một nửa so với con số 400.000 vào thời điểm đỉnh dịch của làn sóng Delta vào tháng 5/2021.
Ông Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, nhận định: “Chúng tôi dự báo rằng 85,2% ca mắc sẽ không có triệu chứng. Các ca mắc đa số sẽ không có triệu chứng, nhưng trong số các ca bệnh, chúng tôi vẫn cho rằng sẽ có khá nhiều người trong số họ phải nhập viện, nhưng số ca tử vong sẽ giảm nhiều. Vì vậy, chúng tôi dự đoán rằng giai đoạn số ca nhập viện ở Ấn Độ trong giai đoạn đỉnh sẽ bằng khoảng 1/4 so với làn sóng Delta và số ca tử vong sẽ ít hơn”.
Theo một mô hình của Viện Công nghệ Ấn Độ, làn sóng thứ ba có thể đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 15/2 và có khả năng làn sóng này sẽ cao hơn nhiều so với Delta.
Giá trị R0 (tỷ lệ lây truyền từ một người nhiễm bệnh sang những người khác trong cộng đồng) đã ở mức 2,69. Trong thời kỳ đỉnh dịch Delta, giá trị R0 là 1,69.
Tuy nhiên, hơn 60% dân số trưởng thành của Ấn Độ đã được tiêm phòng đầy đủ và khoảng 90% đã được tiêm ít nhất một liều. Chính phủ cũng đã bắt đầu triển khai các mũi tăng cường cho người cao tuổi và nhân viên tuyến đầu từ ngày 10/1. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa đợt dịch này và đợt trước.
Theo Báo Tin Tức