Theo Cơ quan nghiên cứu Nam Cực của New Zealand, dự án nghiên cứu có tên gọi là SWAIS 2C sẽ đánh giá các mức độ phản ứng của thềm băng ở Tây Nam cực (WAIS) nếu nhiệt độ toàn cầu ấm lên 2 độ C dựa trên việc nghiên cứu các trầm tích thu thập được từ trong lòng đại dương. Nghiên cứu sẽ tìm ra cách thức mà lớp băng này biến đổi khi nhiệt độ toàn cầu tăng theo các mức dự kiến trong những thập kỷ tới.
Những thông số địa chất học sẽ cung cấp cơ sở để xác định ngưỡng khí hậu giới hạn để tránh một lượng lớn băng tan chảy, khiến mực nước các đại dương tăng nhiều mét. Cơ quan trên tin rằng nếu tình trạng đó từng xảy ra trong quá khứ thì nó có thể sẽ tái diễn. Thềm băng ở Tây Nam cực chứa lượng băng mà nếu tan chảy có thể khiến nước biển dâng khoảng 4m so với hiện tại.
Đội nghiên cứu SWAIS 2C gồm một số nhà khoa học hàng đầu thế giới về nghiên cứu Nam Cực, trong đó dẫn đầu là nhà khoa học Richard Levy từ Đại học Victoria ở Wellington và Molly Patterson, từ Đại học Binghamton ở Mỹ. Nhà khoa học Levy cho biết đã tập hợp một đội gồm các thợ khoan, kỹ sư, chuyên gia địa chất và các nhà khoa học để thực hiện nghiên cứu. Dự án sẽ giúp đánh giá mức độ băng tan ở thềm băng Tây Nam cực nếu thế giới không đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Về phần mình, nhà khoa học Patterson cho biết các dữ liệu địa chất học sẽ cung cấp những bằng chứng trực tiếp về tình trạng của thềm băng trong một giai đoạn cụ thể.
Nhóm đầu tiên thuộc dự án SWAIS 2C, thực hiện các khâu chuẩn bị, sẽ xuất phát từ căn cứ chính Scott trong tháng 11 này với lịch trình di chuyển khoảng 1.200 km qua thềm băng Ross để tới Siple Coast. Đây là điểm mà băng trên đất liền tiếp xúc với đại dương và bắt đầu nổi trên mặt nước. Sau khi nhóm chuẩn bị hoàn tất việc thiết lập trại khoan, một nhóm nhà khoa học khác sẽ đến khu vực và dự kiến sẽ làm việc trong suốt mùa Hè tại Nam Cực, tức là đến tháng 2/2022. Chiến dịch nghiên cứu thực địa SWAIS 2C dự kiến kéo dài trong 3 năm.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tiến hành khoan vào tầng đáy đại dương ở Nam Cực, ở một địa điểm rất xa xôi (so với căn cứ chính) và ở khoảng cách gần trung tâm của dải băng Tây Nam Cực nhất từ trước đến nay. Các kỹ sư ở trung tâm nghiên cứu Nam cực thuộc Đại học Victoria ở Wellington đã dành 4 năm để phát triển công nghệ đầu tiên trên thế giới, khoan bằng nước nóng tới độ sâu 800m vào các lõi băng, giúp thu được các mẫu trầm tích ở độ dày tối đa 200m bên dưới tầng băng.
Nhóm nghiên cứu tin tưởng dự án sẽ giúp giải đáp một trong những câu hỏi lớn nhất với các nhà khoa học khí hậu và loài người. Đó là “liệu thềm băng ở Tây Nam cực có từng tan chảy trong lần Trái Đất ấm lên trước đó? Liệu việc các nước đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris có thể giúp bảo vệ thềm băng ở Nam cực hay không?”. Trưởng ban cố vấn của Cơ quan nghiên cứu Nam Cực New Zealand, ông John Cottle, cho rằng đây là bước phát triển thú vị trong nghiên cứu khoa học khí hậu ở Nam Cực.
Theo Báo Tin Tức