Trang chủ » Dự án đường Vành đai 4: Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu địa phương quyết liệt hơn nữa

Dự án đường Vành đai 4: Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu địa phương quyết liệt hơn nữa

bởi unexpress

BNEWS Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và đoàn đã khảo sát thực địa tại một số nút giao quan trọng của tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn một số quận huyện của Thủ đô.

Ngày 24/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã đi khảo sát thực địa tại các địa phương có liên quan của Hà Nội về tình hình thực hiện dự án, trọng tâm là dự án thành phần giải phóng mặt bằng.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và đoàn đã khảo sát thực địa tại một số nút giao quan trọng của tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông.
Báo cáo về thực hiện dự án thành phần giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58,2 km. Riêng đoạn từ Quốc lộ 32 đến cầu Hồng Hà vẫn chưa có bản vẽ được xác nhận của Sở Quy hoạch và Kiến trúc để Ban Quản lý dự án tổ chức triển khai cắm mốc ngoài thực địa. Ban Quản lý dự án cũng đang phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội điều chỉnh nút giao quốc lộ 6 – Vành đai 4…
Đến nay, thành phố đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng, đăng tải tham vấn trên trang điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các quận, huyện cũng đã cơ bản gửi số liệu giải phóng mặt bằng cho Ban Quản lý dự án để tập hợp và lên phương án tổng thể nhằm thống nhất ký biên bản số liệu với các quận, huyện (dự kiến trình duyệt dự án trước ngày 28/11/2022).
Thành phố đã tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng được 36,3/58,2 km tại 7 quận, huyện; dự kiến sẽ hoàn thành công tác cắm mốc xong trước ngày 30/11/2022 đối với 21,9 km còn lại. UBND thành phố đã triển khai phương án ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch (căn cứ quy định tại Điều 111, Luật Đất đai).
Song song với việc triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư… Dự kiến, trong quý IV/2022, thành phố sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các quận, huyện và đại diện các bộ, ngành Trung ương khẳng định, sự vào cuộc khẩn trương để đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Trong đó, các quận, huyện đã chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhờ thực hiện tốt tuyên truyền, vận động; từ trước khi được bố trí vốn tạm ứng, các quận, huyện đã được người dân đồng tình di chuyển hàng trăm ngôi mộ trong phạm vi dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội rất lớn; trong đó, nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước. Trong khi đó, tiến độ dự án mà Quốc hội đề ra, cũng như đã ghi rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, bám sát tiến độ theo cam kết của thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để kịp thời theo dõi, đôn đốc. Đối với một số vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền cấp tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND thành phố nhanh chóng tập hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo giải quyết, trước hết là vấn đề chỉ giới đường đỏ; chính sách trong di dời mồ mả; cơ chế bố trí vốn cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới nghĩa trang phục vụ dự án…
Khẳng định dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, công trình có ý nghĩa rất quan trọng, đem lại lợi ích to lớn không chỉ đối với các địa phương của Hà Nội, mà còn các tỉnh, thành phố trong vùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, nhiệm vụ tới đây còn rất dài và rất nặng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của các sở, ngành, quận, huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội phải sâu sát, quyết liệt từng việc hơn nữa.
Theo chương trình, ngày 25/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng sẽ dẫn đầu đoàn công tác làm việc với hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên về tình hình triển khai thực hiện dự án./.
Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm