Trang chủ » Đồng Tháp hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch

Đồng Tháp hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch

bởi unexpress

BNEWS Trước những rủi ro xuất khẩu nông sản qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp hướng đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này chính ngạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh đã khuyến cáo, kêu gọi thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, cũng như tiếp tục chuyển hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nội địa thông qua các kênh phân phối hiện đại, hệ thống phân phối lớn để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu.
Tính đến nay, sản lượng hàng nông sản tồn của tỉnh tại các cửa khẩu Lạng Sơn trên 2.000 tấn, chủ yếu là xoài (xoài tượng da xanh) thông qua hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022, dự kiến sản lượng nông sản thu hoạch của tỉnh khoảng 40.400 tấn; trong đó, nhu cầu kết nối tiêu thụ khoảng 31.400 tấn nông sản.
Giải pháp ngắn hạn được tỉnh thực hiện đó là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà phân phối lớn để tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh trong dịp Tết. Về dài hạn, tỉnh đã ban hành kế hoạch sản xuất theo hướng an toàn, sạch, GAP, hữu cơ…. đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, có mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có hơn 2.100 ha mít Thái đang chịu nhiều ảnh hưởng từ ùn tắc xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Hiện giá bán mít chưa tới 10 nghìn đồng/kg, khiến người trồng mít thất thu từ 50-80 triệu đồng/ha so với trước đây.
Mặc dù, giá mít xuống thấp do ảnh hưởng ùn ứ tại cửa khẩu qua Trung Quốc nhưng anh Nguyễn Văn Hải ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười vẫn giữ vững diện tích trồng 1 ha mít Thái.
Đây là năm đầu tiên anh thu hoạch được hơn 20 tấn quả, với giá hiện tại tuy có lãi nhưng còn thấp, nhưng vẫn  lãi hơn trồng lúa theo thời điểm hiện nay. Anh Hải cho biết, mít vừa thu hoạch xong, anh tiếp tục chăm sóc những lứa mít tiếp theo hoặc xử lý cho trái đúng thời kỳ thu hoạch để có giá cao.

Nếu dự báo giá mít trong vài tháng tới xuống quá thấp, anh sẽ cắt bỏ những quả mít non để xử lý cho trái đợt sau. Tuy giá mít xuống thấp nhưng hiện nay thương lái vẫn đến vườn mua để làm mít kem tiêu thụ nội địa.
Tại vùng trồng mít Thái ở huyện Thanh Bình, anh Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ cho biết đã trồng 8.000 m2 mít Thái, hiện cho trái đầu mùa, nhưng thương lái mua với giá quá thấp từ 3-5 nghìn đồng/kg mít loại 2 và loại 3 nên anh đành cắt bỏ làm thức ăn nuôi cá.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, sản phẩm mít Thái của Đồng Tháp được đánh giá rất cao. Công ty sẽ xây dựng 3 điểm thu mua tại Đồng Tháp để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Bà Vy kiến nghị chính quyền, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ thành lập, phát triển các hợp tác xã sản xuất trái cây theo đúng tiêu chuẩn của các thị trường, Chánh Thu sẵn sàng tham gia với tư cách là một thành viên của hợp tác xã để hỗ trợ nông dân sản xuất đúng quy chuẩn.
Để xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch, bảo đảm chất lượng xuất khẩu, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã phổ biến thông tin “Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc”.
Qua đó, cung cấp các thông tin tham khảo về tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu thụ và thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc. Cung cấp các thông tin về thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng cho 9 sản phẩm trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm dưa hấu, nhãn, vải thiều, thanh long, xoài, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất khẩu một cách bài bản sang thị trường Trung Quốc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã gửi UBND các huyện, thành phố bộ tài liệu về “Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc” để phổ biến đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác nắm bắt thực hiện trong quá trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc.
Để xuất khẩu nông sản thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, hình thức trao đổi cư dân biên giới ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, có chế tài cụ thể về những vi phạm.

Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao tiếp tục đàm phán mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường hơn nữa. Các cơ quan chức năng sớm ban hành khung pháp lý xử phạt nghiêm về hành vi mạo danh mã vùng trồng, mã xưởng của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi các bên liên quan./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm