BNEWS Cùng với áp lực lạm phát, đồng ringgit yếu đã dẫn đến việc tăng giá hàng hóa và từ đó làm xói mòn sức mua.
Trong bối cảnh đồng nội tệ ringgit (RM) của Malaysia đang trượt dốc và hiện ở ngưỡng thấp nhất trong vòng 24 năm qua so với đồng USD, 1 USD đổi được 4,534.0 RM, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời khuyên hữu ích đối với người dân.
Giáo sư kinh tế Wong Chin Yoong của trường Đại học Tunku Abdul Rahman (Malaysia) cho rằng, khi đồng ringgit yếu đi, hàng tiêu dùng nhập khẩu trở nên đắt hơn. Tuy nhiên, loại hàng hóa này chỉ chiếm khoảng 7,5% tổng số hàng hóa tiêu dùng, không kể đến thực tế là các nhà phân phối hàng tiêu dùng nhập khẩu trong nước đang phải trả một phần chi phí cao hơn.
“Vì vậy, mặc dù các nhà nhập khẩu rất đau đầu khi đồng ringgit trượt giá, tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn cho phép”, ông nói.
Trên thực tế, các loại tiền tệ khác trên toàn thế giới cũng đang bị chịu ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đáng kể do tỷ lệ lạm phát liên tục tăng cao.
Giáo sư Wong cho biết, dự kiến đồng USD sẽ còn mạnh lên trong những tháng còn lại của năm 2022, do vậy người dân nên chuẩn bị một số biện pháp để “vượt qua cơn bão giá” như: Thận trọng hơn trong chi tiêu, tiết kiệm và chủ động hơn trong việc kiểm soát chi tiêu, đồng thời hạn chế mua hàng nhập khẩu.
Đồng quan điểm với Giáo sư Wong, Shankaran Nambiar – nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Malaysia – cho rằng, đồng USD dự kiến sẽ tiếp tục mạnh lên ít nhất là cho đến cuối năm nay và cũng có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023.
Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, đồng USD và các khoản đầu tư vào Mỹ có thể được coi là nơi trú ẩn an toàn. Vì vậy, chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho sự suy yếu của đồng ringgit kéo dài hơn”.
Nambiar cho biết, trong khi nền kinh tế Malaysia đang vận hành “khá tốt” sau đại dịch COVID-19, song vẫn có những vấn đề đáng lo ngại đè nặng lên đồng ringgit. Ông dự báo, cùng với áp lực lạm phát, đồng ringgit yếu đã dẫn đến việc tăng giá hàng hóa và từ đó làm xói mòn sức mua.
Theo ông, cách tốt nhất có thể làm để ứng phó với chi phí sinh hoạt ngày càng cao là tránh mua hàng nhập khẩu. “Tuy nhiên, trên thực tế, Malaysia không thể tránh khỏi việc nhập khẩu một số mặt hàng như phân bón và vật liệu xây dựng và điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến việc tăng giá hàng hóa”./.
>>>Malaysia chi gần 18 tỷ USD cho các khoản trợ cấp
Theo BNews/