BNEWS Công nhân khu nhà ở xã hội IDICO (huyện Nhơn Trạch) liên tục có đơn kiến nghị do chủ đầu tư tăng giá dịch vụ khiến người lao động bức xúc, không đồng tình và bị ngừng cung cấp điện.
Thời gian qua, công nhân khu nhà ở xã hội IDICO (thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) liên tục có đơn kiến nghị do chủ đầu tư tăng giá dịch vụ khiến người lao động bức xúc, không đồng tình và bị ngừng cung cấp điện.
Khu nhà ở xã hội IDICO do Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO làm chủ đầu tư, được xây dựng 4 dãy nhà với 504 căn hộ cho người lao động sinh sống. Thời gian gần đây, hơn 40 hộ dân sinh sống tại các dãy nhà B3, B4, B13 liên tục kêu cứu về việc bị cắt điện, nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do các hộ dân không đồng ý tăng phí vận hành với mức quá cao tại khu nhà ở xã hội này.
Theo đó, năm 2020 đến nay, chủ đầu tư thông báo tăng phí dịch vụ nhưng bị các hộ dân phản đối vì mức tăng cao. Cụ thể, mức tăng thấp nhất đối với căn hộ trên 33m2 là từ 100.000 đồng lên 171.000 đồng/căn hộ, mức cao nhất đối với căn hộ trên 53m2 là từ 170.000 đồng lên 305.000 đồng/căn hộ.
Chúng tôi có mặt tại khu nhà ở xã hội IDICO lúc 18 giờ, khi công nhân tan ca và trở về nhà sau một ngày lao động vất vả. Hầu hết các căn hộ đều sáng đèn, các gia đình tất bật chuẩn bị bữa cơm tối. Song cũng có một vài căn hộ chỉ có ngọn nến đủ sức chiếu sáng vài mét vuông trong căn phòng. Gia đình chị Dương Thị Vẻ là một trong những hộ dân đầu tiên sống tại đây khi khu nhà ở xã hội đi vào hoạt động.
Chị Vẻ cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lương công nhân thấp nên 2 vợ chồng quyết định mua nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Căn hộ vợ chồng chị Vẻ mua cách đây 8 năm nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà với giá trên 150 triệu đồng, nhưng mới trả được một phần, số còn lại vẫn đang trả góp ngân hàng mỗi tháng.
Theo chị Vẻ, chị không đồng ý với mức phí mới do còn nhiều vấn đề mập mờ, nếu phía công ty tổ chức họp và lấy ý kiến của người dân, đồng thời công khai rõ ràng mọi thu chi thì sẽ dễ dàng cho cả 2 bên. Hiện nay, do chồng chị đang đi công tác xa, chỉ có mình chị ở nhà nên chị chấp nhận chịu nóng, thắp nến để phản đối việc tăng phí dịch vụ từ chủ đầu tư. Chị không muốn mọi việc chưa ngã ngũ vẫn phải đóng số tiền tăng hơn 70% so với mức đóng ban đầu.
Cũng phản đối mức thu phí mới của chủ đầu tư nhưng nhiều hộ ở đây phải chấp nhận thỏa hiệp, đóng tiền để có điện sử dụng do có con nhỏ, người già. Chị P.T.T (36 tuổi, ở dãy nhà B13) cho biết, mẹ con chị là những cư dân dọn đến khu nhà ở xã hội sống đầu tiên. Đến nay cả nhà chị đã gắn bó với nơi này được 8 năm nhưng những ngày qua cách xử lý của chủ đầu tư khiến mẹ con chị rất buồn.
Chị T. nhớ lại, sáng 13/7, khi chị và con gái đang ở nhà thì bất ngờ bị cắt điện. Ban đầu hai mẹ con chị chấp nhận chịu nóng và chờ xem tình hình ra sao. Do con gái thứ 2 của chị T. bị dị tật bẩm sinh, thường lên cơn co giật nếu trời nắng nực nên chị T. buộc phải tìm đến đơn vị vận hành toà nhà để hỏi chuyện thì được thông báo do chị không đóng phí dịch vụ nên bị cắt điện.
Vì con gái bị bệnh, rất cần được sử dụng điện nên chị T. phải thương thảo, chấp nhận đóng nửa số tiền phí dịch vụ truy thu từ 2020 đến nay và được yêu cầu phải đóng hết trong vòng 1 tháng thì mới được mở điện trở lại.
“Chúng tôi mong muốn phía công ty trước khi tăng phí thì nên thông qua Ban Quản trị khu chung cư, họp dân, lấy ý kiến của dân và làm theo đúng trình tự quy định. Chúng tôi mong muốn được biết các khoản thu chi được công khai, minh bạch và đúng mục đích”, chị P.T.T chia sẻ.
Bà Phạm Thị Huệ, công tác tại Phòng quản lý dự án Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO cho biết, trước đây khi đi vào hoạt động, theo tính toán, các hộ dân sẽ phải đóng mức phí dịch vụ là 3.700 đồng/m2. Tuy nhiên do thấy đa số cư dân là lao động nghèo nên công ty hỗ trợ, chỉ thu 3.000 đồng/m2 tương đương 100.000 đồng/căn hộ rộng 33m2/tháng.
Đến tháng 3 và 4/2020, sau khi tính toán lại, doanh nghiệp đang phải bù lỗ phí dịch vụ nhiều nên quyết định tăng giá dịch vụ lên 171.000 đồng/căn hộ 33m2, tương đương khoảng trên 5.000 đồng/m2. Thông tin tăng phí dịch vụ được dán lên bảng tin tại các khu nhà và thông báo cho Ban Quản trị nhà chung cư.
Theo bà Phạm Thị Huệ, Ban Quản trị của tòa nhà được thành lập từ năm 2018 nhưng không hoạt động. Theo nguyên tắc, khi công ty thông báo về việc tăng phí dịch vụ, Ban Quản trị sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để công bố thu chi, đưa việc tăng phí ra bàn bạc.
Tuy nhiên, vai trò của Ban Quản trị chưa được phát huy nên chủ đầu tư tự thông báo đến người dân thì vấp phải ý kiến trái chiều, người dân phản đối, không đóng phí dịch vụ với giá đã tăng.
Về việc cắt điện sinh hoạt của những hộ dân không đóng phí dịch vụ, bà Huệ cho biết, do trong hợp đồng có nêu nếu các hộ dân không đóng tiền vận hành thì công ty sẽ cắt điện. Tuy nhiên, bà Huệ cũng thừa nhận là nội dung này chỉ áp dụng đối với các hợp đồng sau năm 2015, đối với những hộ ký trước năm 2015 thì công ty không được cắt điện.
Nhưng trong thời gian qua công ty đã tiến hành cắt điện đối với tất cả các hộ dân không đóng tiền (kể cả những hộ ký hợp đồng trước năm 2015). “Hiện công ty đã dừng việc cắt điện của các hộ dân và đang chờ Ban Quản trị họp cư dân để có thể gặp gỡ giữa các bên và tìm được tiếng nói chung”, bà Phạm Thị Huệ thông tin thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Tấn Đức cho biết, sau khi ghi nhận sự việc, UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo huyện Nhơn Trạch trực tiếp xuống khu nhà ở xã hội để kiểm tra sự việc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng trực tiếp liên hệ với lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị khắc phục, tránh đảo lộn cuộc sống cư dân khu nhà ở xã hội. Sắp tới địa phương sẽ làm việc với công ty để đưa ra phương án tốt nhất.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết đã được huyện Nhơn Trạch báo cáo. Ông đã nắm được phản ánh của người dân và đang chỉ đạo địa phương phối hợp cùng chủ đ
ầu tư xử lý vụ việc./.
Theo BNews/