BNEWS Đa số khách hàng hưởng hỗ trợ về lãi suất đang hoạt động trong một số lĩnh vực như: nông nghiệp, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xuất nhập khẩu, dệt may.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai, để góp phần hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại do tác động của dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho hơn 1.100 khách hàng với số tiền gần 2.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng ở Đồng Nai cũng đã cho khoảng 29.000 khách hàng vay mới số tiền gần 152.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn so với trước lúc xảy ra dịch COVID-19.
Đa số khách hàng hưởng hỗ trợ về lãi suất đang hoạt động trong một số lĩnh vực như: nông nghiệp, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xuất nhập khẩu, dệt may. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và vay vốn lãi suất thấp được thẩm định kỹ, đúng đối tượng.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai cho biết, do dịch COVID-19, hơn 1 năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, xuất nhập khẩu, dệt may ở Đồng Nai bị thiệt hại nặng nề.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và cho vay với lãi suất thấp đối với các tổ chức, cá nhân là vấn đề cấp bách, giúp khách hàng duy trì sản xuất, kinh doanh, tránh nguy cơ phá sản. Tương lai, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, khách hàng có cơ hội tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế, giảm nợ xấu.
Bên cạnh hỗ trợ về tín dụng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện các ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai đã mở rộng mạng lưới tại vùng sâu, vùng xa, khu vực có nhiều công nhân sinh sống, đồn thời đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ nhằm giúp người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận nguồn vốn, qua đó hạn chế “tín dụng đen”.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đời sống người dân, công nhân lao động khó khăn, nguy cơ bùng phát hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” rất lớn. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đơn giản thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới, để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn, phục vụ nhu cầu thiết yếu.
“Công nhân lao động, người dân khu vực nông thôn cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin, khi cần vay vốn dù chỉ vài ba triệu đồng thì nên trực tiếp đến các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng để vay” – ông Bảo chia sẻ./.
>>Dịch COVID-19: Ưu tiên hàng đầu cho việc cấp vốn vay hỗ trợ trả lương người lao động
Theo BNews/