Trang chủ » Đổi mới tư duy ‘cấp phép, cho phép’ sang ‘phục vụ, chăm sóc’ doanh nghiệp

Đổi mới tư duy ‘cấp phép, cho phép’ sang ‘phục vụ, chăm sóc’ doanh nghiệp

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi đối thoại. 

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp đề xuất UBND tỉnh có biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, đào tạo nghề, tuyển dụng lao động, khôi phục thị trường,…

Theo ông Hồ Việt Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đã bị ảnh hưởng nặng nề. Sau thời gian duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chổ”, nhiều doanh nghiệp không còn vốn để tái đầu tư, khôi phục sản xuất… Cùng đó, chi phí khác như: xăng dầu, vận chuyển, logistic, nguyên phụ liệu… cũng tăng cao khiến doanh nghiệp gần như “kiệt quệ”.

Ông Hiệp đề xuất tỉnh cần có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, nguồn vốn tái đầu tư và duy trì sản xuất bằng cách  khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất hoặc cho doanh nghiệp vay vốn không cần thế chấp… Từ đó, giúp doanh nghiệp có vốn để tái đầu tư, duy trì sản xuất, tạo việc làm, giảm gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Việt nhận xét, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường xuất khẩu, nhưng nhờ sự chủ động và hỗ trợ của Chính phủ, kim ngạch xuất khẩu của công ty trong 2 tháng gần đây vẫn đạt xấp xỉ 20 triệu USD.

Tuy nhiên, thời gian duy trì sản xuất “3 tại chổ” quá lâu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất tăng cao, năng suất giảm hơn 70%, các đơn hàng bị chậm vì không đủ nhân lực…

Chú thích ảnh
Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Việt phát biểu tại buổi đối thoại. 

Hiện nay, gần 100% trong tổng số trên 6.000 công nhân của Công ty đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và đang nỗ lực khôi phục sản xuất, tăng năng suất của các nhà máy để đáp ứng kịp thời đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên, công nhân lo ngại tăng ca do dịch bệnh và vi phạm quy định hạn chế ra đường sau 20 giờ hàng ngày của tỉnh An Giang.

“Việc công nhân làm tăng ca về sau 20 giờ thì bị chính quyền lập biên bản xử phạt do vi phạm quy định hạn chế ra đường của tỉnh rất cứng nhắc , ảnh hưởng đến tâm lý người lao động cũng như tiến độ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp” – ông Tới phản hồi.

Từ nay đến cuối năm 2021, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài, Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng mới từ 2.000 – 4.000 lao động, nhưng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp này mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về quê thời gian qua nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, đáp ứng kịp thời các đơn hàng xuất khẩu sắp tới.

Ông Kim Chul Ha – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH An Giang Samho cho rằng, dịch diễn biến phức tạp và kéo dài khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đơn hàng bị hủy liên tục do không đáp ứng thời gian giao hàng của đơn hàng cũ. Hơn nữa, tài chính của doanh nghiệp không thể trụ nổi trong thời gian dài và đối mặt với sức ép từ nguồn tài chính trả lương cho người lao động vào đầu tháng 12, thanh toán các khoản nợ bảo hiểm xã hội, trả tiền nguyên vật liệu cho nhà cung cấp…

Trong quá trình khôi phục lại sản xuất, nếu phát hiện F0, F1, ông Kim Chul Ha đề xuất cho doanh nghiệp “bóc tách” F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ cách ly tại những khu vực cách ly trong nhà máy; chính quyền và ngành y tế hỗ trợ thuốc điều trị… chứ không yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đóng cửa nhà máy tạm thời để giảm thiệt hại.

“Hiện nay, Việt Nam đã chuyển đổi cách tiếp cận từ “Zero COVID-19” sang thích ứng và “sống chung” với COVID-19 nên việc ngừng hoạt động hoặc đóng cửa tạm thời doanh nghiệp không còn phù hợp” – ông Kim Chul Ha nêu ý kiến.

Để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, đáp ứng kịp các đơn hàng đã ký kết, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Giang Samho đang đầu tư mở rộng nhà xưởng, dó đó ông Kim Chul Ha đề xuất được tuyển dụng mới nhân sự (có chọn lọc) và tỉnh hỗ trợ xét nghiệm đối với công nhân trước khi vào nhà máy làm việc để đảm bảo an toàn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi đối thoại. 

Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong mọi điều kiện, hoàn cảnh thông qua những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, có phân công, phân nhiệm rõ ràng.

Thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh cần đổi mới tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “phục vụ, chăm sóc” doanh nghiệp, nhà đầu tư; thay đổi từ cách tiếp cận, xử lý thông tin, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đảm bảo hiệu quả trong từng khâu, từng nhiệm vụ và có sự liên thông, liên kết, đan xen, hỗ trợ nhau giữa các ngành, lĩnh vực – ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch tỉnh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tại An Giang tiếp tục chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm  đến việc “giữ chân” người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu của tỉnh; mở rộng thị trường và tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cũng khẳng định, địa phương luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế – xã hội; quan tâm tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm, đóng góp thiết thực cho kinh tế địa phương.

Ông Lê Hồng Quang nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang luôn đồng hành, cầu thị, lắng nghe và cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ghi nhận đầy đủ, phân công các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, tham mưu giải quyết nhanh chóng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đồng thời, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến hoặc kiến nghị Trung ương giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo và tập trung nỗ lực cao nhất, quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19; triển khai quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh nhằm giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm