Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VII; thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; năm cuối Kiểm toán Nhà nước thực hiện vai trò Chủ tịch Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2018-2021… Đây cũng là năm đất nước chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, do đó cơ chế, chính sách quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều thay đổi.
Mặc dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội, nhưng toàn ngành đã nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, sát thực, tích cực đổi mới, tinh thần làm việc quyết liệt, trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn nên đã hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2021 với nhiều kết quả nổi bật.
Kiểm toán Nhà nước đã lựa chọn nhiều chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; đồng thời thực hiện thí điểm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh độc lập tại một số địa phương (không lồng ghép các loại hình kiểm toán) để xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, làm tiền đề mở rộng triển khai kiểm toán trong năm 2022 và các năm tiếp theo theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội về báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 để Quốc hội xem xét, quyết định. Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên Kiểm toán Nhà nước có ý kiến với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ghi nhận, đánh giá cao.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao thành tích của Kiểm toán Nhà nước trong năm qua nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp tục khẳng định vị trí là công cụ quan trọng của nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát tài chính công, tài sản công, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Nhấn mạnh năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đảm bảo chất lượng kiểm toán, khẳng định vai trò của là cơ quan do Quốc hội thành lập và chỉ hoạt động tuân theo pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán và kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, tăng cường thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán để tiến hành kiểm toán từ xa, tiếp cận với thông lệ quốc tế và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.
“Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân vào Kiểm toán Nhà nước ngày càng cao, đòi hỏi Kiểm toán Nhà nước phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách kịp thời, chính xác và minh bạch”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước xác định năm 2022 sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022, thực hiện có hiệu quả, chất lượng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); tích cực đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ cao, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán…
“Với vị thế, uy tín, quy mô và đội ngũ cán bộ kiểm toán dày dạn kinh nghiệm, Kiểm toán Nhà nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Quốc hội giao phó. Căn cứ tình hình thực tế trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục triển khai có hiệu quả, chất lượng các hoạt động theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) đảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Theo Báo Tin Tức