Trang chủ » Doanh nhân vừa vượt khó, vừa chung tay vì cộng đồng

Doanh nhân vừa vượt khó, vừa chung tay vì cộng đồng

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Đồng hành cùng chính phủ, người dân

Việt Nam hiện có khoảng 850.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Sau 35 năm đổi mới, nhiều doanh nghiệp đã phát triển nhảy vọt về quy mô, trình độ công nghệ, bắt kịp các doanh nghiệp trên thế giới. Với các tên tuổi: Viettel, VinGroup, Trường Hải, FPT, Hoà Phát, Vinamilk, T&T, TH True Milk… Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới giai đoạn 2016-2020, có quy mô GDP năm 2020 đứng thứ 4 Đông Nam Á. 

Nhiều năm qua, đội ngũ doanh nhân không chỉ tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp nguồn thu chủ yếu cho ngân sách quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mà còn tiên phong thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Phẩm chất này càng thể hiện rõ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. 

Gần hai năm đối mặt với dịch COVID-19, đội ngũ doanh nhân vừa đóng góp cho sự phát triển đất nước, vừa tích cực tham gia phòng chống dịch. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”. Nhất là khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi, nhiều doanh nhân đã hưởng ứng và có những đóng góp thiết thực trong phòng chống dịch COVID-19. 

Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đã chọn cho mình những cách khác nhau để đồng hành cùng Chính phủ, người dân trong đại dịch. Bên cạnh ủng hộ về vật chất, Tập đoàn Vingroup đã mua vaccine, tài trợ cho nghiên cứu vaccine, lập công ty để sản xuất vaccine phi lợi nhuận, hợp tác để mua hàng trăm nghìn liều thuốc đặc trị COVID-19… về Việt Nam. Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) đã nghiên cứu sản xuất xe tiêm chủng vaccine COVID-19 lưu động “Made in Việt Nam” phục vụ xét nghiệm nhanh, tiêm chủng tại chỗ ở các khu đông dân cư, đường nhỏ hẹp. Hay tập đoàn Sun Group ngoài đóng góp về tiền mặt và giá trị hiện vật, đã đồng hành cùng các địa phương xây dựng hai bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng và Hải Dương trong các đợt dịch thứ 2 và 3, chung tay xây dựng bệnh viện dã chiến lớn nhất Thủ đô… 

Không chỉ tặng máy thở, đóng góp nhiều tỷ đồng vào Quỹ Chung tay phòng chống dịch COVID-19, Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19…, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra những cây “ATM gạo”, “ATM ô-xy”, “siêu thị 0 đồng”… 

Cùng với đó, hàng triệu máy tính được các doanh nghiệp, doanh nhân tặng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn qua chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Chính phủ… Có thể nói, trong những thời khắc khó khăn nhất của đất nước, người dân, đều có sự xuất hiện của doanh nhân, doanh nghiệp. 

Lực lượng tiên phong phục hồi kinh tế

Hiện nay, khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và đối diện với nhiều nguy cơ suy thoái kinh tế hậu COVID-19, doanh nhân Việt Nam lại là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn; trở thành lực lượng tiên phong phục hồi và phát triển kinh tế khi dịch bệnh dần được kiểm soát. 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, doanh nhân Việt Nam luôn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Thủ tướng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế, được cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, hưởng ứng. 

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đã nỗ lực tìm hướng đi mới tiếp tục duy trì và phát triển kinh doanh. Nhưng những nỗ lực của tự thân doanh nghiệp là chưa đủ, cần những quyết sách của Chính phủ, tạo cơ chế môi trường để doanh nghiệp vượt qua. 

Đại diện Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, bên cạnh quyết sách ổn định kinh tế vĩ mô cần có chính sách tài khoá linh hoạt theo chu kỳ, sử dụng ngân sách cho vay ưu đãi, nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Sau đại dịch, các gói tài khoá cần chuyển hướng sang hỗ trợ có trọng tâm để doanh nghiệp cơ cấu lại. 

“Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.

Chú thích ảnh

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm