BNEWS Mặc dù chuyển đổi số là một trong những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy thương mại hiệu quả trong bối cảnh hiện nay nhưng trên thực tế phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo xúc tiến thương mại và chuyển đổi số cho doanh nghiệp thời đại 4.0 do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tp.Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 28/10.
Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Tp.Hồ Chí Minh cho biết, cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dễ dàng nhận thấy tác động sâu rộng của công nghệ lên mọi mặt đời sống. Để tránh bị tụt hậu, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là cho doanh nghiệp. Việt Nam đã xác định một trong những quan điểm phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030 là phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, các lĩnh vực cần tận dụng hiệu quả các cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số và coi đây là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số ở mỗi ngành tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng tối thiểu mỗi năm 7%, đưa Việt Nam thuộc nhóm top 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin.
Với các mục tiêu cụ thể, Chính phủ đã và đang có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud)… sẽ giúp thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, đem đến hiệu quả cao hơn, giá trị mới hơn cho doanh nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như xúc tiến thương mại, quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, thanh toán, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội buộc doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến, xúc tiến thương mại.
Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số tăng nhanh so với trước đây. Cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số do chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam nhưng trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Có đến 80 – 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu; gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Trong khi đó, theo đánh giá của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), có tới 69% doanh nghiệp không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào. Mức độ sẵn sàng để chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như rất ít.
Ông Phương Trầm – Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của Tập đoàn FPT cho rằng, có ba chìa khoá cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Trong số đó có mức độ sẵn sàng của người đứng đầu. Cụ thể, người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Cùng đó là mức độ sẵn sàng về năng lực và nhận thức của nhân sự. Theo đó, doanh nghiệp cần đào tạo nhân viên có khả năng tiếp cận, vận hành hệ thống trong và sau chuyển đổi số. Ngoài yếu tố con người, doanh nghiệp cũng cần lựa chọn công nghệ, đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số phù hợp.
Về mặt chính sách, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về số hóa cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực cụ thể và thống nhất cơ sở dữ liệu kết nối, chia sẻ; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số. Các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cần chia sẻ dữ liệu đầy đủ và tự động, liên thông và tương tích, tránh trường hợp nhiều bộ, ngành chia sẻ dữ liệu nhưng giới hạn số liệu dẫn đến không thể sử dụng được khi kết nối liên thông. Nền tảng số cần dễ sử dụng, tương tích, tùy biến và thân thiện với người sử dụng mới có thể thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh dạn chuyển đổi số./.
Theo BNews/