BNEWS Các doanh nghiệp vận tải hành khách tại Vĩnh Phúc đang “đứng ngồi không yên” khi phải cắt giảm thời gian hoạt động, thậm chí tạm dừng hoạt động đã nhiều ngày vì dịch COVID-19.
Vài tháng gần đây, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh “đứng ngồi không yên” khi phải cắt giảm thời gian hoạt động, thậm chí tạm dừng hoạt động đã nhiều ngày.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, Vĩnh Phúc hiện có 75 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định với gần 200 đầu xe đi tới 20 tỉnh, thành trong cả nước; 33 doanh nghiệp taxi, hợp tác vận tải hành khách công cộng với gần 4.100 xe; 8 tuyến xe buýt công cộng với gần 70 đầu xe. Hiện, các doanh nghiệp vận tải hành khách đều đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc cho hay, công ty có trên 50 đầu xe ở những thời điểm không dịch bệnh, thu hút trên dưới 10 triệu lượt khách/tháng.
Vài tháng gần đây, nhất là từ cuối tháng 4/2021 tới nay, gần như 100% phương tiện phải dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19. Mỗi tuần, mỗi tháng công ty phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ chi cho việc bảo vệ, bảo dưỡng xe, trả lương hoặc hỗ trợ người lao động.
Để khắc phục một phần khó khăn, công ty được ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất tiền vay, đây là cơ hội để đơn vị duy trì hoạt động kinh doanh và giữ vững sự ổn định.
Tuy vậy, Công ty cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc cũng xác định, nếu dịch COVID-19 trong vài tuần tới mới kết thúc hoặc lâu dài hơn nữa thì doanh nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn hơn.
Theo ông T, quản lý Công ty TNHH Thiên Đức (Taxi Thiên Đức), thành phố Vĩnh Yên, từ sau nghỉ lễ 30/4 -1/5/2021 đến nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất yếu kém, có những thời điểm cả chục lái xe xin nghỉ việc vì các quy định của nhà nước, của Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành lân cận đã cấm hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh để phòng dịch COVID-19. Hoạt động kiểu tuần làm, tuần nghỉ khiến lượng hành khách đi xe Taxi những tháng gần đây sụt giảm từ 60 – 65% so với những tháng đầu năm.
Theo các doanh nghiệp vận tải hành khách, khi Chính phủ hoặc chính quyền mỗi tỉnh, thành yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các xe vận tải hành khách thì các doanh nghiệp luôn nghiêm túc chấp hành.
Đây là việc làm rất cần thiết bởi sự an toàn của cộng đồng và chính bản thân các lái xe và gia đình của họ. Tuy nhiên, nhiều ngày phải nghỉ làm khiến đời sống lái xe khó khăn do thu nhập giảm…
Các doanh nghiệp vận tải ngày càng lầm vào tình cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách phải đi vay lãi ngân hàng.
Trước tình hình khó khăn chung do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian gần đây, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tích cực hưởng ứng sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Vĩnh Phúc cũng yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để tiếp tục điều chỉnh, có các chính sách phù hợp hơn, tạo động lực cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả khi dịch COVID-19 được đẩy lùi./.
Theo BNews/