BNEWS Dịch bệnh dự kiến sẽ sớm được khống chế, kinh tế phục hồi, điều tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực và niềm tin của người lao động với doanh nghiệp.
Tái thiết quản trị, doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi là nội dung được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Tái thiết nền tảng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) tổ chức sáng 15/10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng nêu bật những kinh nghiệm và khuyến nghị giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh sau những tác động của đại dịch COVID-19.
*Trách nhiệm xã hội
Theo các doanh nghiệp, tác động của đại dịch COVID-19 là lâu dài và không thể đoán trước. Giải pháp cơ bản nhất vẫn là sự đoàn kết cùng nhau vượt khó tại mỗi doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau.
Bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng Giám đốc, Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) cho hay, trải qua những lần đại dịch, công ty đã có kinh nghiệm của chính mình, ưu tiên chăm lo sức khỏe người lao động. Lúc này, các chỉ tiêu kinh doanh phải đưa xuống hàng thứ hai.
“Trong gần 2 năm qua, SASCO chuyển đổi kinh doanh rất mạnh mẽ, từ kinh doanh sang chiến lược bảo tồn nguồn vốn và đặc biệt là nguồn lao động, nhân lực của công ty. Nếu nhân lực được bảo về thì công ty được bảo vệ. Bên cạnh đó, công ty cũng hỗ trợ, đảm bảo thu nhập để người lao động vượt qua giai đoạn khủng hoảng, trong khi lần lượt các hoạt động kinh doanh bị sụt giảm. Trong đại dịch, chúng tôi tận dụng thời gian để phát hiện tiềm năng, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực hơn nữa…”, bà Đoàn Thị Mai Hương nói.
Dịch bệnh dự kiến sẽ sớm được khống chế, kinh tế phục hồi, điều tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực và niềm tin của người lao động với doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc Điều hành Deloitte Việt Nam cho rằng, COVID-19 tạo ra khủng hoảng nhưng nó sẽ có tính chu kỳ. Mỗi doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị và sẵn sàng tâm thế, để vượt qua khó khăn dễ dàng hơn, tránh bị động như thời gian vừa rồi.
“Vậy làm thế nào để đảm bảo tính chủ động và nếu coi hệ thống doanh nghiệp như một cơ thể khỏe mạnh thì phải có hệ miễn dịch, vaccine. Ở đây vaccine chính là việc thực hiện tốt quản trị nhân lực, quản trị rủi ro, tài chính…”, bà Nguyễn Hải Hưng bày tỏ.
Theo chia sẻ của ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng nhóm Hợp tác, Ban Thư ký VBCSD-VCCI, đơn vị đã có bộ chỉ số CSI chỉ ra cho doanh nghiệp cần quản trị rủi ro, tái cấu trúc doanh nghiệp như thế nào; chuyển đổi từ bị động sang chủ động trong khủng hoảng ra sao… Những doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số này đều nhận định có tác dụng tăng doanh thu, tăng thu nhập lao động và ổn định lao động, sản xuất. Do vậy, việc nhìn nhận lại nhân lực, quản trị đối với mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại là rất quan trọng.
Theo các chuyên gia kinh tế, rõ ràng để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, câu chuyện không chỉ dừng ở trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, mà còn là trách nhiệm với người lao động, sự đoàn kết, thể hiện văn hóa doanh nghiệp.
*Tận dụng công nghệ số
Một giải pháp giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sau đại dịch COVID-19 được đề cập tại hội thảo là chuyển đổi số. Các chuyên gia cho rằng, đây là xu thế tất yếu, bước đi bắt buộc để giúp kinh doanh tốt hơn trong thời điểm hiện tại.
Ông Lê Thành Liêm – Thành viên HĐQT Điều hành, Giám đốc Điều hành Tài chính, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho hay, chuyển đổi số phải có nền tảng và có các cam kết, tâm huyết rất lớn từ Chính phủ, các bộ, ngành đến bản thân doanh nghiệp.
Vinamilk xác định chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ gần 20 năm qua, từ sản xuất, cung ứng, bán hàng đến quản trị tài chính. Nhờ sự chuẩn bị đó, nên thời gian đại dịch vừa qua, công ty gần như vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, dù có những lúc hoạt động tại văn phòng chỉ khoảng 10%, hoạt động bán hàng bị hạn chế nhiều…
“Vinamilk có nền tảng công nghệ xuyên suốt, ví dụ như ở mảng chăn nuôi, phải theo dõi từng con bò, dòng sữa đến việc sản xuất, vận chuyển, vào kho… tất cả đều hoạt động trên nền tảng tự động hóa”, ông Lê Thành Liêm nói.
“Đến nay, Việt Nam đã có nhiều luật, thông tư hướng dẫn liên quan đến công nghệ số, về cơ bản là tương đối đầy đủ. Nhưng thời gian tới, với những thay đổi, nhu cầu mới do đại dịch thì việc thể chế hóa, luật hóa các quy trình này cần làm rõ thêm. Đồng thời, cần đưa công nghệ số trong quản lý, các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, như các hoạt động tài chính, thuế những năm qua đã làm rất tốt”, ông Lê Thành Liêm kiến nghị thêm.
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược. Thủ tướng Chính phủ cũng xác định rõ những trụ cột để chuyển đổi số; trong đó có Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Không phải doanh nghiệp lớn có lợi thế về chuyển đổi số mà là các doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi, thích ứng nhanh với công nghệ số. Cục đưa ra những chương trình hỗ trợ và tại đó, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ cung cấp các sản phẩm miễn phí giai đoạn đầu, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tiếp cận, phù hợp với nền tảng của mình. Hiện có hơn 20 nền tảng số để doanh nghiệp có thể tiếp cận, với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng, nâng cao nhận thức là quan trọng nhất trong chuyển đổi số, lãnh đạo doanh nghiệp phải xác định đó là xu thế tất yếu, từ đó lan tỏa tới người lao động… Với các chính sách và nền tảng đã có, doanh nghiệp cần sớm tiếp cận để khai thác hiệu quả nhất…/.
Theo BNews/