BNEWS Từ 01/01/2022, khi khai báo thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu vào Trung Quốc, hồ sơ của doanh nghiệp phải khai mã do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, theo Lệnh 248 về Quản lý và đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc, từ 01/01/2022, khi khai báo thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, hồ sơ phải khai mã do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp. Trường hợp chưa hoàn thành đăng ký thì lô hàng đó sẽ không được thông quan.
Theo ông Ngô Xuân Nam, khi đăng ký doanh nghiệp, mỗi một sản phẩm của mỗi một doanh nghiệp sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp một mã số riêng. Doanh nghiệp có nhiều sản phẩm sẽ được cấp các mã tương ứng. Cho phép 1 nhà máy sản xuất đăng ký nhiều sản phẩm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhưng không cho phép nhiều nhà máy sản xuất sử dụng 1 mã đăng ký.
Vừa qua, Ban thư ký ASEAN tổ chức trực tuyến để Tổng cục Hải quan Trung Quốc giới thiệu Lệnh 248 và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc. Trên cơ sở các câu hỏi của Thành viên ASEAN và của Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã giải đáp một số thông tin chính.
Theo đó, Lệnh 248 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp chế biến – sản xuất – bảo quản, không áp dụng cho doanh nghiệp thương mại.
Đối với 4 loại sản phẩm đã đăng ký và được cấp mã (thịt và sản phẩm từ thịt; sản phẩm thuỷ sản; sản phẩm sữa; tổ yến và sản phẩm từ tổ yến), các mã này tiếp tục có hiệu lực theo quy định giữa cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực xuất khẩu) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trước ngày 01/01/2022, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực xuất khẩu) có thể sử dụng hai hình thức: Đăng ký trên website: singlewindow.cn hoặc theo phương thức hiện hành giữa hai bên. Sau ngày 01/01/2022, cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng nhập trên website: singlewindow.cn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thực hiện đăng ký. Nếu cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu và Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thỏa thuận về tài liệu và phương thức đăng ký cho 18 loại sản phẩm trong danh mục đã nêu tại điều 7, Lệnh 248, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu từ thời điểm 01/01/2022 sẽ nộp qua hệ thống trực tuyến.
Đối với 14 loại sản phẩm theo Công hàm số 353/2021 mà không gửi danh sách doanh nghiệp đúng thời hạn quy định trước ngày 31/10/2021, hoặc xuất khẩu lần đầu tiên vào Trung Quốc đối với 14 loại sản phẩm, từ thời điểm 01/01/2022 sẽ áp dụng quy định tại điều 8, Lệnh 248 để thực hiện đăng ký.
Đối với trường hợp doanh nghiệp tự đăng ký, hồ sơ kỹ thuật của doanh nghiệp đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc bao gồm: bản miêu tả công nghệ, dây chuyền sản xuất chủ yếu (bắt buộc); thành phần nguyên liệu cấu thành sản phẩm; nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu; tỷ lệ thành phần.
Hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp tự đăng ký có thể được tra cứu trên đường link đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (sử dụng tên và tài khoản đã đăng ký) của doanh nghiệp tra cứu về thông tin về kết quả, xử lý bổ sung hồ sơ, trạng thái hồ sơ… Toàn bộ hồ sơ, thông tin đăng ký của doanh nghiệp khi đăng nhập hệ thống đều bảo mật thông tin. Tài khoản đăng ký của doanh nghiệp (tên tài khoản, mật khẩu) phải tự bảo quản, không chia sẻ để tránh thất thoát thông tin. Hình thức đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan có thẩm quyền và hình thức doanh nghiệp tự đăng ký có thể được thực hiện đồng thời.
Theo ông Ngô Xuân Nam, những doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng ký và đã nộp hồ sơ trước ngày 31/10/2021, kết quả sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào nửa cuối tháng 12/2021.
Bên cạnh đó, theo điều 19, Lệnh 248, khi thay đổi người đại diện pháp luật của doanh nghiệp/nhà máy đăng ký hoặc mã số đăng ký do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp thay đổi thì không thực hiện theo hình thức thay đổi đăng ký để điều chỉnh mà thực hiện nộp hồ, tài liệu đăng ký mới theo quy trình đăng ký trên hệ thống. Sau khi hồ sơ đăng ký mới thông qua, mã số được cấp trước đó tại Tổng cục Hải quan Trung Quốc tự động hủy. Trước thời điểm doanh nghiệp cấp mã số đăng ký mới tại Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì căn cứ mã số đã được cấp để khai báo thông quan, kể từ thời điểm có hiệu lực của mã số đăng ký mới, doanh nghiệp phải căn cứ mã số mới để khai báo thông quan.
Với mục tiêu không làm gián đoạn thương mại giữa các thành viên ASEAN – Trung Quốc, trong quá trình thực hiện 2 Lệnh trên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xem xét tình hình thương mại nông sản của hai bên để sắp xếp hợp lý. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các bên liên quan hoàn thiện việc đăng ký doanh nghiệp đến trước ngày 31/12/2021, ông Ngô Xuân Nam thông tin.
Trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã có thông báo về việc với danh sách doanh nghiệp đăng ký trước ngày 31/10/2021, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết còn nhiều sản phẩm chưa được các doanh nghiệp đăng ký.
Cụ thể là: đậu đỏ khô, cau khô, dừa biển khô, hạt dưa đỏ, hạt ý dĩ (hạt bo bo, hạt mạch) tách vỏ, gừng, hạt đậu tằm tươi hoặc bảo quản lạnh, cải thảo tươi hoặc bảo quản lạnh, cải xoăn (cải ngồng) tươi hoặc bảo quản lạnh, ớt tươi hoặc bảo quản lạnh (gồm ớt ngọt), hành (Allium fistulosum) tươi hoặc bảo quản lạnh, củ hoài sơn (Dioscorea oppositifolia L.) tươi hoặc bảo quản lạnh, đậu Hà Lan tươi hoặc bảo quản lạnh (tách vỏ/không tách vỏ), hành tây (củ) tươi và bảo quản lạnh, bột lúa mì, lúa mạch, quả cọ và hạt cọ dầu, vừng./.
Theo BNews/