Trang chủ » Doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng nhân sự mới

Doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng nhân sự mới

bởi unexpress

BNEWS Ngày 26/10, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền tỉnh Tây Ninh với 140 đại biểu đại diện cho trên 7.100 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương cho biết, 9 tháng năm 2022, tỉnh thu hút đầu tư trong nước đạt trên 15.170 tỷ đồng, tăng 53,9% so với cùng kỳ; trong đó, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư mới 35 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 12.280 tỷ đồng gồm 26 dự án nông nghiệp, 9 dự án phi nông nghiệp; có 17 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng gần 3.000 tỷ đồng và 15 dự án chấm dứt hoạt động, thu hồi (do nhà đầu tư quyết định chấm dứt) với vốn đăng ký hơn 800 tỷ đồng.

Trung tá Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Viettel Tây Ninh kiến nghị tỉnh cần có cơ chế để các doanh nghiệp viễn thông cùng tham gia vào quá trình lập quy hoạch, tham gia ngầm hóa hệ thống dây truyền dẫn tại các trục đường trung tâm nhằm đồng bộ từ quá trình thi công đến vận hành sau này. Vì hiện nay đơn vị trúng thầu thi công là một đơn vị ngoài hệ thống viễn thông thực hiện, nên việc đấu nối sau khi hoàn thành cũng gặp phát sinh nhiều vấn đề về đồng bộ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông.
Ông Nguyễn Qui Hoàng, đại diện Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành – Khu công nghiệp Trảng Bàng phản ánh một số vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, lao động việc làm và phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng trong thời qua, bảo hiểm xã hội có nhiều giải pháp để đồng bộ hồ sơ tuy nhiên nhiều doanh nghiệp còn tồn nhiều hồ sơ chưa được đồng bộ giữa hồ sơ điện tử và hồ sơ giấy, đặc biệt là khi chuyển đổi từ bảo hiểm xã hội Trảng Bàng về bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh dữ liệu bị lệch nhiều, gây khó khăn cho việc phụ trách bảo hiểm xã hộicủa doanh nghiệp, đề nghị bảo hiểm xã hội tỉnh có giải pháp đồng bộ hồ sơ triệt để hơn.

Theo đại diện Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành, hiện nay việc tuyển dụng nhân sự đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lao động có chuyên môn nghiệp vụ, phần lớn là doanh nghiệp phải tự liên hệ. Do đó, doanh nghiệp đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cần có giải pháp để kết nối, hỗ trợ cung ứng lao động có tay nghề.

Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nguyễn Văn Huấn cho biết, bảo hiểm xã hội tỉnh đang thực hiện đồng bộ hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử do cần đồng bộ dữ liệu giữa chứng minh nhân dân và căn cước công dân gắn chip điện tử. Nên thời gian tới, bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh việc đồng bộ này, cũng như tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính liên quan bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi doanh nghiệp.
Về vấn đề lao động, việc làm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trương Thị Phương Thảo thông tin, tỉnh có Trung tâm giới thiệu việc làm là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm hoặc giao dịch trên môi trường mạng. Sàn giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tháng cũng là địa điểm cung cấp lao động cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, tỉnh còn thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm tại trường cao đẳng nghề Tây Ninh để kết nối cung ứng lao động có tay nghề cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có thể liên hệ để được cung ứng lao động phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn, vướng mắc ở 21 nhóm, lĩnh vực, tập trung ở cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủ tục hành chính về đầu tư và đăng ký kinh doanh; các doanh nghiệp đề nghị tỉnh sớm ban hành các quy định mới để ngành du lịch phát triển, nhất là doanh nghiệp có thể xây dựng các farmstay, homestay kinh doanh, phục vụ du khách; cần tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đường giao thông xuống cấp, giải pháp bày trừ cho vay nặng lãi trong công nhân, đẩy nhanh việc thẩm định hồ sơ nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy…

Điểm lại những điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tây Ninh trong 9 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định sự tăng trưởng của tỉnh phần lớn là nhờ sự đóng góp đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần này đến cuối năm 2022, nhằm hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng tiếp thu những ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp, giao các đơn vị, địa phương liên quan xem xét giải quyết với sự giám sát của tỉnh.

Tây Ninh sẽ nghiên cứu có cơ chế, hình thức, mô hình để tạo sự gắn kết giữa chính quyền với doanh nghiệp nhiều hơn, tốt hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng góp, hiến kế cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm bày tỏ sự trân trọng trước sự đồng hành của doanh nghiệp với địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời chủ động khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần đáng kể vào sự phục hồi tăng trưởng chung của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tỉnh có nhiều kênh tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp cũng chưa phản ánh nhiều. Do đó, bên cạnh tiếp xúc trực tiếp, doanh nghiệp cũng cần quan tâm tham gia phản ánh kiến nghị góp ý với chính quyền địa phương qua các kênh trực tuyến để tỉnh tiếp nhận và giải quyết.

Các hội doanh nghiệp của tỉnh cần phát huy vai trò của mình trong tiếp nhận các phản ánh ý kiến của doanh nghiệp đến chính quyền địa phương.

“Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương chính là sự phát triển của địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định và nhấn mạnh đây là cơ sở vững chắc cho sự đồng hành bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu tổ chức các hoạt động tiếp xúc theo nhóm, chuyên đề tạo sự gần gũi, cùng nhau lắng nghe, chia sẻ; hướng tới không chỉ phản ánh khó khăn mà doanh nghiệp cần kiến nghị chính sách để tỉnh có định h
ướng ban hành chính sách phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện phát triển của địa phương.
Trong 9 tháng năm 2022, Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 641 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 5.058 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 26% về số doanh nghiệp và giảm 15% về vốn đăng ký; thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 225 triệu USD, giảm 65,2% so với cùng kỳ./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm