BNEWS Giới quan sát cho hay ngày càng nhiều các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tìm tới các nền tảng huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) ở nước ngoài.
Việc huy động vốn này như một bàn đạp để nâng cao độ nhận diện và doanh số bán hàng tại các thị trường quan trọng bên ngoài Trung Quốc.
Huy động vốn từ cộng đồng cho phép các nhà sáng tạo và công ty, tổ chức gây quỹ từ những người ủng hộ không có lợi ích kinh tế trực tiếp trong các dự án cần gọi vốn. Vì huy động vốn từ cộng đồng có xu hướng thu hút sự hỗ trợ từ những người thích đón đầu xu hướng, nên đây là một lựa chọn gây quỹ khá tốt cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Như EcoFlow, một startup chuyên sản xuất ắc quy xách tay của Trung Quốc, đã tổ chức các chiến dịch gây quỹ thành công trên các nền tảng huy động vốn cộng đồng của Mỹ như Kickstarter. Công ty cũng đã huy động được hơn 1,1 tỷ yen (9,7 triệu USD) từ nền tảng Makuake của Nhật Bản.
Ông Wang Lei, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành EcoFlow, cho biết công ty tham gia các nền tảng huy động vốn cộng đồng vì chúng giúp công ty tiếp cận các đề xuất mang tính xây dựng có thể giúp ích ngay lập tức cho việc phát triển sản phẩm.
Theo ông Wang, các trang huy động vốn cộng đồng là nơi thích hợp cho việc giới thiệu những công nghệ và sản phẩm mới tới người tiêu dùng đam mê công nghệ và thích đón đầu xu hướng. Họ đa phần có ảnh hưởng lớn và có thể quảng bá giúp cho sản phẩm.
EcoFlow hiện hoạt động tại hơn 100 quốc gia và có sự hiện diện khá lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Họ tuyển dụng khoảng 900 nhân viên trên khắp thế giới và dự báo doanh thu hơn 200 triệu USD trong năm nay.
Ngoài EcoFlow, công ty sản xuất thiết bị thực tế tăng cường (AR) Mad Gaze và công ty phát triển robot giáo dục AgileX Robotics, cũng là hai trong số các công ty trẻ tuổi đang tận dụng lựa chọn cách thức gây quỹ như vật.
Bên cạnh các startup, các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc như Midea và TCL cũng tìm tới các trang huy động vốn cộng đồng ở nước ngoài.
Hầu hết các dự án huy động vốn cộng đồng đều nhắm tới các mốc vài triệu USD là tối đa. Các nền tảng này thường không được coi là kênh bán hàng chính. Giám đốc Wang của EcoFlow cho hay lợi ích của việc huy động vốn cộng đồng không đến từ doanh số bán hàng. Hơn thế, cách tiếp cận này mang lại cơ hội tuyệt vời để các công ty tương tác với người dùng.
Nhiều công ty công nghệ sử dụng các dự án huy động vốn cộng đồng như một cách tiếp nhận phản hồi từ người dùng nhằm cải thiện các sản phẩm mới, chủ yếu là những sản phẩm nhắm đến các thị trường ngách.
Song giới quan sát lưu ý rằng người tiêu dùng vẫn có lòng nghi ngờ về tính hợp pháp của các dự án huy động vốn như vậy và tự hỏi liệu họ có thực sự nhận được sản phẩm hay không, ngay cả khi dự án đạt được mục tiêu gọi vốn.
Do đó, cá công ty muốn xây dựng thương hiệu đáng tin cậy và lòng trung thành của khách hàng thông qua huy động vốn từ cộng đồng phải tạo dựng mối quan hệ lâu dài với người dùng, thay vì tập trung vào việc huy động dòng tiền nhanh chóng./.
Source: BNews