Thực tế, bất động sản khu công nghiệp đang là phân khúc có sức đề kháng tốt đối với dịch bệnh. Công ty Savills Việt Nam dẫn chứng, mặc dù những tháng đầu Việt Nam phải chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực như các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp cũng như sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đến tháng 7/2021 cũng chỉ ra rằng, cả nước có 335 khu công nghiệp khu công nghiệp được thành lập; trong đó, có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 76% và 75 khu đang xây dựng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kỳ, cụ thể tại Hà Nội lên đến 90%, Bắc Ninh lên đến 95%, Hưng Yên là 89% và Hải Phòng là 73%. Còn tại khu vực phía Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại Bình Dương là 99%, Long An là 84%, Bà Rịa-Vũng Tàu là 79%…
Trong bối cảnh kinh doanh bất động sản nhiều tháng liên tục bám trụ ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các chuyên gia đánh giá, bất động sản sẽ duy trì “điểm sáng” trong thời gian tới. Đặc biệt, việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua được mong đợi là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, một loạt dự án khu công nghiệp mới được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương cũng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp giúp mở rộng quỹ đất. Mới nhất, tại khu vực phía Bắc, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 05, tỉnh Hưng Yên, với quy mô 192,64 ha. Hay như tại khu vực phía Nam, Đồng Nai đang lấy ý kiến đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp mới gần 6.500 ha trên địa bàn tỉnh để hoàn thành các thủ tục sớm thành lập.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao lĩnh vực văn phòng và khu công nghiệp của Công ty JLL Việt Nam thông tin, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản hậu cần và công nghiệp bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất tại Việt Nam còn lớn. Số lượng các quỹ đầu tư tiếp cận thị trường logistics và khu công nghiệp ngày càng tăng. Qua đó làm tăng khả năng diễn ra nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đang tích cực chuẩn bị quỹ đất để đón đầu cơ hội bùng nổ sau làn sóng dịch lần thứ 4 này. Đơn cử như Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) đang tăng tốc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3 để tạo ra các sản phẩm sẵn có đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Hay như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp, mã chứng khoán: BCM) đang thực hiện chiến lược phát triển, mở rộng quỹ đất khu công nghiệp ra các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Định với tổng quy mô hơn 4.000 ha. Trong khi đó, doanh nghiệp này đang sở hữu 1.000 ha khu công nghiệp có thể sẵn sàng cho thuê ở ở những vị trí chiến lược như Bàu Bàng, Mỹ Phước tại Bình Dương.
Trên thị trường, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang giao dịch tích cực. Nội bật trong số đó, cổ phiếu BCM tăng hơn 22% trong 2 tháng trở lại đây, đứng giá 48.350 đồng/đơn vị với khối lượng giao dịch khớp lệnh hơn gần 220 nghìn đơn vị/phiên tại thời điểm đóng cuối tuần 10/9.
Trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đều báo lãi lớn trong quý II. Riêng KBC công bố báo cáo tài chính hợp nhất với doanh thu thuần tăng 337%, đạt gần 750 tỷ đồng do ghi nhận từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 34,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 3 tỷ đồng.
Theo Báo Tin Tức