Trang chủ » Định vị nông nghiệp, nông thôn là ‘trụ đỡ’ của nền kinh tế

Định vị nông nghiệp, nông thôn là ‘trụ đỡ’ của nền kinh tế

bởi unexpress
Chú thích ảnh
 Do ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo bộ quy trình từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến đóng gói, nên Công ty TNHH MTV Kizuna (huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có đơn hàng xuất khẩu nông sản đến giữa năm 2022. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tự hào rằng, trong thách thức, nông nghiệp vẫn đạt những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,9%. Xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được Chính phủ giao. Lương thực thực phẩm thiết yếu vẫn cung ứng kịp thời đến hàng chục triệu người dân tại các đô thị, trung tâm công nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số… đã được nhiều doanh nghiệp chú trọng làm thay đổi tư duy nông nghiệp truyền thống. Một nền nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII dần được định hình và hiện thực hoá. Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn tiếp tục khẳng định thành tích “to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử”. Những sản phẩm từ làng quê dần trở thành sản phẩm quốc gia. Dù trong bối cảnh nào, nông thôn vẫn dang rộng vòng tay đón những người dân trở về, đã minh chứng cho sự bền bĩ đi lên của khu vực nông thôn.  

Người đứng đầu Bộ NN&PTNT tự hào bởi bộ máy ngành NN&PTNT đã năng động hơn, chủ động hơn, linh hoạt hơn trong xử lý các tình huống khi có những biến cố bất ngờ. Hoạt động của 2 tổ công tác đặc biệt tích cực phối hợp với từng địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc khi chuỗi cung ứng nông sản bị đứt đoạn, đã minh chứng điều đó.

Ngành nông nghiệp đã vượt qua những nỗi đắn đo sợ hãi, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn trong xu thế thay đổi nhanh chóng của thế giới. Ngành nông nghiệp đã cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo”. Ngành nông nghiệp không tự đóng khung tư duy, nguồn lực của mình mà đã biết cách huy động nguồn lực, kết nối các sáng kiến từ xã hội.  

Nhiều diễn đàn hướng đến kích hoạt cơ chế hợp tác công tư, xã hội hoá để bổ sung nguồn lực phát triển. Nhiều hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp, hiệp hội nông nghiệp tuần hoàn, hiệp hội nông nghiệp số, hiệp hội những nhà xuất khẩu, hiệp hội bán lẻ… ra đời cho thấy một khi xã hội được trao quyền, được kích hoạt, cộng hưởng với sức mạnh của bộ máy quản lý sẽ hình thành hệ sinh thái nông nghiệp.  

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thành tích của nông nghiệp là kết quả của sự đồng hành của cả xã hội và hàng chục triệu nông dân. Đó cũng nhờ vào tinh thần đổi mới sáng tạo, sự tận hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Đó là nhờ chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “hỗ trợ, cùng kiến tạo”.  

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những thành tựu kể trên là đáng tự hào, nhưng ngành nông nghiệp hiểu rằng không được tự bằng lòng, khi những điều khó khăn, khó lường vẫn còn phía trước. Nông nghiệp được xem là ngành luôn đương đầu với nhiều rủi ro, thách thức. Trong bối cảnh một thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ, mà đại dịch COVID-19 là một minh chứng, nông nghiệp lại đứng trước nhiều thách thức mới: Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, biến động thị trường và những rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, biến chuyển xu thế tiêu dùng và cách tiếp cận nền nông nghiệp xanh, minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Ngay thời điểm cuối năm, tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu cho thấy không được tự bằng lòng với thành tích xuất khẩu. Còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững. Phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản. Phải có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Phải tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường khi chỉ bán nguyên liệu thô. Phải xác định đúng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp trong dẫn dắt thị trường và tạo dựng chuỗi giá trị. Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp, công thương.

Cơn sốt biến động giá nguyên liệu, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp gây nhiều xáo trộn, bấp bênh, do phần lớn còn lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó cho thấy cần phải thay thế một phần từ nguồn nguyên liệu nội địa. Các viện nghiên cứu khoa học cùng với các doanh nghiệp cần tham gia vào nhiệm vụ này. Một nền nông nghiệp tri thức cần tâm thế mạnh mẽ, mới mẽ của đội ngũ các nhà khoa học.

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được hoàn thành. Đây là lần đầu tiên, nông nghiệp vượt qua tư duy ngắn hạn mùa vụ để hướng tới chiến lược đồng bộ, dài hạn.

Chiến lược được xây dựng từ trí tuệ, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành. Chiến lược hiện thực hoá tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”. Chiến lược này không chỉ định vị nông nghiệp, nông thôn như một ngành kinh tế tổng hợp, là “trụ đỡ” khi kinh tế gặp khó khăn mà trong một cấu trúc góp phần phát triển kinh – tế xã hội đất nước bền vững.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm