Trong năm cầm quyền đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên cao trong tổng thể chính sách đối ngoại của Washington, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ngày càng tăng. Hàng loạt quan chức hàng đầu Mỹ đã công du khu vực, gồm cả Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, phát đi cam kết về sự hiện diện mạnh mẽ của Washington tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuần trước, Mỹ đã công bố phác thảo chiến lược 5 điểm với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó khẳng định đây sẽ là khu vực định hình tương lai thế giới trong thế kỷ XXI.
Tham vọng rất lớn của Mỹ trong việc can dự vào khu vực thông qua thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở thể hiện trước hết qua nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), vốn hình thành từ sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004. Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ đang gia tăng sự liên kết, tích hợp sức mạnh của nhóm với nhiều nước đồng minh châu Âu và trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như đồng minh, đối tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm khẳng định vai trò tại khu vực. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy những quyết tâm của Mỹ và các nước trong việc theo đuổi một tổng thể chính sách về đối ngoại, chiến lược và an ninh. Cụ thể hơn, Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng với các đồng minh và đối tác.
Năm 2021 chứng kiến chuyển động mang tính bước ngoặt của nhóm Bộ tứ khi các nhà lãnh đạo bốn nước đã trở nên thống nhất hơn và sẵn sàng xác định một chương trình hợp tác mang tính xây dựng hơn. Trước đó, lực lượng hải quân 4 nước đã tham gia cuộc tập trận chung đầu tiên trong hơn một thập niên vào tháng 11/2020. Tháng 3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì cuộc họp thượng đỉnh của nhóm với sự tham dự của Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản khi đó Suga Yoshihide, thành lập các nhóm làm việc về vaccine phòng COVID-19, biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Hợp tác chặt chẽ với các quốc gia nhóm Bộ tứ là điều đương nhiên đối với Mỹ, khi Australia và Nhật Bản là đồng minh hiệp ước và Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng của Washington . Chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia này và chính quyền của ông Biden đang mở rộng chương trình nghị sự của nhóm Bộ tứ. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trải dài qua hai đại dương và một số lục địa, khiến khu vực này trở nên quan trọng đối với các lợi ích hàng hải của Mỹ. Năm 2019, lượng hàng hóa trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ đã đi qua khu vực này. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm nay, 42% hàng hóa xuất khẩu của thế giới và 38% hàng hóa nhập khẩu toàn cầu dự kiến sẽ đi qua.
Trong khi đó, sự hình thành AUKUS giúp Mỹ củng cố vững chắc hơn đối tác an ninh với các đồng minh lâu đời là Anh và Australia, nhằm hướng tới hai ưu tiên đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden là tăng cường, củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác trên toàn thế giới và thúc đẩy can dự của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Giới chuyên gia dự đoán rất nhiều vấn đề hợp tác sẽ được AUKUS thúc đẩy trong thời gian tới như tàu ngầm hạt nhân, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, vấn đề chuỗi cung ứng – là những vấn đề có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh của liên minh này trước các đối thủ tại khu vực.
Các thông điệp được phát ra từ hàng loạt chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin… tới khu vực đều hướng tới việc khẳng định rằng AUKUS sẽ góp phần duy trì cân bằng chiến lược và quân sự khu vực, ổn định cũng như khả năng răn đe, bảo đảm các nguyên tắc chung mà nhiều nước cùng chia sẻ, trong đó có tự do hàng hải, các tuyến đường biển an toàn và mở. Trong khi đó, AUKUS cũng rất quan trọng trong việc “neo” Anh vào khu vực này, phản ánh xu hướng các đồng minh châu Âu của Mỹ, kể cả Pháp, đang can dự sâu hơn vào khu vực. Theo Giáo sư John Blaxland, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và tình báo, Đại học Quốc gia Australia (ANU), trong nỗ lực xoay trục về châu Á và kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy và phát triển nhanh chóng năng lực quân sự, Mỹ hiểu rằng phải cần các nước đồng minh và đối tác hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, việc Australia tham gia vào AUKUS cho thấy quyết tâm lớn hơn của nước này trước tầm ảnh hưởng đang ngày càng lớn của Trung Quốc. Theo Giáo sư John Blaxland, AUKUS đem lại khả năng tiếp cận công nghệ động cơ hạt nhân cho thế hệ tàu ngầm tiếp theo của Australia. Thứ hai, thỏa thuận cho thấy sự tái can dự của Vương quốc Anh vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau hơn 50 năm, một kết quả có nhiều ý nghĩa kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và chiến dịch “nước Anh toàn cầu” của Thủ tướng Boris Johnson. Thỏa thuận cũng được coi là “sự tái đầu tư” vào quan hệ giữa Australia và Mỹ. Đáng chú ý, thỏa thuận không chỉ là vấn đề bảo đảm an ninh mà còn là vấn đề hợp tác công nghệ, tạo ra một khía cạnh và một cấp độ mới về kết nối và hợp tác giữa Mỹ, Anh và Australia trong quan hệ an ninh giữa ba nước được hình thành từ Chiến tranh Thế giới thứ hai cũng như quan hệ Mỹ-Australia được chính thức hóa bằng hiệp ước ANZUS được ký kết cách đây 70 năm.
Theo Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Australia), năm qua, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có vị trí và vai trò đặc biệt trong chính sách đối ngoại của các nước lớn gồm Mỹ, các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua Liên minh châu Âu (EU) đã công bố chiến lược của khối đối với khu vực, trong đó xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên nhằm tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự của EU tại khu vực. Một số nước châu Âu cũng có chiến lược riêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Đức và Hà Lan. Pháp đã có chiến lược riêng từ năm 2018 và trong năm nay đã cập nhật chiến lược này. Các chiến lược của EU và từng nước châu Âu có một điểm chung là xác định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Đông Nam Á là trung tâm của tăng trưởng toàn cầu nhờ các yếu tố như dân số đông, sức mạnh kinh tế.
Việc châu Âu tăng cường can dự vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xuất phát từ vai trò quan trọng cả về địa kinh tế lẫn địa chính trị của khu vực đối với EU. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU, 4 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của EU ở khu vực này. Các nước châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có những mối đe dọa chung như đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng. Để giải quyết các thách thức này, các nước cần phải hợp tác và hỗ trợ nhau, khiến lợi ích của EU tại khu vực ngày càng tăng. Mặt khác, cũng đã xuất hiện sự cạnh tranh quyền lực lớn trong khu vực cùng những thách thức đang nổi lên có ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực, bao gồm cả tự do hàng hải, tự do thương mại tại Biển Đông. Khi công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh “EU mong muốn là nhân tố đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Theo các chuyên gia, trước mắt, nhóm Bộ tứ và AUKUS, hay việc các tàu ngầm chạy bằng năng lương hạt nhân của Mỹ và Anh xuất hiện và hoạt động sẽ tác động đáng kể và phần nào định hình cục diện khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Diễn biến này có thể mở ra những cơ hội, song cũng tạo ra những thách thức nhất định và đó là điều các nước khu vực phải tính đến nếu muốn bảo đảm “xây dựng thế kỷ XXI hòa bình và ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Theo Báo Tin Tức